Hồng Đức

Lưu bút

Còn dị biệt thì còn đọc

Chương II (tiếp theo – phần 2/2)

SAU ĐẠI HỘI ĐẢNG LẦN V

Nguyễn Văn Linh, bị loại khỏi bộ Chính Trị năm 1982 đến năm 1986 lại được gọi trở lại bộ Chính Trị và dựa theo tình trạng perestroika ở Nga Xô, dần dần thăng lên thứ bậc thứ hai trong đảng.

Tháng 7-1986, bộ Chính Trị đưa ra nghị quyết 32, không còn nhắc đến tình trạng “không thể đảo ngược” nữa mà bắt đầu ám chỉ đến một giải pháp chính trị cho Campuchia.

Tháng sau, ngày 13-8-1986 nhật báo Nhân Dân đăng bài ca ngợi sự hợp tác toàn diện Việt-Xô nhưng cũng nhấn mạnh Việt Nam và Nga Xô sẵn. sàng bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.

Cuối tháng 8-1986, trong bản thông cáo chung của các bộ trưởng ngoại giao ba nước Đông Dương, Hà Nội tuyên bố sẽ rút hết quân đội Việt Nam ra khỏi Campuchia, và muốn khôi phục quan hệ bình thường với Trung Quốc và Thái Lan.

Ngày 30-9-1986, trong dịp quốc khánh Trung Quốc, sau nhiều năm đả kích lẫn nhau, Trường Chinh đã gửi điện văn chúc mừng cho Lý Tiên Niệm.

Tuy nhiên, suốt thời gian sau trận chiến 1979, Trung Quốc vẫn tiếp tục nhiều hành động khiêu khích và lấn chiếm biên giới.

Ngày 28-4-1984, nói là quân Việt Nam khiêu khích ở biên giới, trung đoàn 14/SĐ-40/QĐ-14 của Trung Quốc đánh chiếm Núi Đất (Trung Quốc gọi là Lão Sơn) hay cứ điểm 1509 thuộc xã Thanh Thủy, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang. Theo nguồn tin Trung Quốc, năm 1981, họ cũng đã lấn chiếm núi Faka của Việt Nam.[1]

Trong thời gian mà Nga Xô đề ra chính sách cởi mở và tái cấu trúc, sự thay đổi về đường lối đối ngoại nhất là đối với Trung Quốc cũng trùng hợp với cái chết của tổng bí thư Lê Duẩn của Việt Nam.[2]

Lê Duẩn sinh năm 1908 tại quận Triệu Phong, Quảng Trị, xuất thân là một thư ký nhà ga, từng là bí thư thứ nhất và tổng bí thư hơn hai mươi năm.[3]

Được sự giúp đỡ của Lê Đức Thọ, Lê Duẫn gần như nắm toàn quyền lãnh đạo và quyết định đường lối hướng dẫn đảng CSVN trong nhiều năm. Đường lối này không dựa trên một chiều hướng ý thức hệ nào mà mang nặng tính thực dụng nhằm giữ vững quyền lực. Khi Khrushchev cầm quyền, chủ trương hòa hoãn với Tây Phương và tố cáo tội ác của Stalin, Lê Duẩn nghiêng về phía Trung Quốc và thanh trừng những người bị nghi ngờ thân Nga Xô như Hoàng Minh Chính, Vũ Đình Huỳnh, Đặng Kim Giang, Nguyễn Văn Vịnh. Võ Nguyên Giáp cũng bị gán cho tội “xét lại” trong thời gian này.

Đến thập niên 1970, khi Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, Lê Duẩn lại dựa hẳn vào Nga Xô và khai trừ Hoàng Văn Hoan, Chu Văn Tấn, Lý Ban…

Sau khi Lê Duẩn chết, dù thế lực của Lê Đức Thọ trong đảng rất mạnh, nhưng do nhu cầu cấp bách cần thân cận với Trung Quốc nên nhân vật số hai của bộ Chính Trị là Trường Chinh được cử lên tạm thay. Đồng thời, Nguyễn Văn Linh từng bị loại khỏi bộ Chính Trị năm 1982, sau khi được đưa vào ban bí thư, lại trở lại bộ Chính Trị và dần dần được nâng lên hàng thứ hai.

Trường Chinh, tên thật Đặng Xuân Khu, bí danh là Nhân hoặc là Thận, từng bị mất chức tổng bí thư năm 1956 sau Cải Cách Ruộng Đất, đã nhẫn nhịn suốt ba mươi năm dưới thế lực của Lê Duẩn và Lê Đức Thọ, được tạm thời đưa lên giữ chức tổng bí thư. Với bí danh Trường Chinh hàm ý tôn phục Mao trạch Đông và từng dịch các tác phẩm Trì Cửu Chiến, Tân Dân Chủ Luận của Mao, Trường Chinh có nhiều điều kiện thuận lợi để CSVN dễ dàng cầu hòa trở lại với Trung Quốc.

Thật ra, chiều hướng Việt Nam hòa giải với Trung Quốc trong giai đoạn này vẫn chỉ là một bước trong chính sách đối ngoại của Nga Xô và nhằm phục vụ cho quyền lợi của Nga Xô nhiều hơn. Trong đám tang Lê Duẩn, Trường Chinh được gặp Tikhonov, ủy viên bộ Chính Trị Nga Xô và được khuyến cảo về sự cần thiết phải thay đổi chính sách, đối nội cũng như đối ngoại.

Theo thông lệ và nghi thức của một nước cộng sản nhỏ đối với một nước cộng sản đàn anh, Trường Chinh mới nhận chức ngày 14-7-1986 thì ngày 26-7-1986 đã bay qua Nga Xô đế thỉnh thị ý kiến của Gorbachev. Nhưng Gorbachev không tiếp Trường Chinh ngay mà lại bay sang Vladivostok để thông báo cho thế giới, quan trọng nhất là nhắm vào Trung Quốc, về chính sách ngoại giao mới của Nga Xô trong vùng Thái Bình Dương rồi chờ đến ngày 12-8-1986 tức cả nửa tháng sau mới tiếp Trường Chinh.

Từ Nga Xô trở về, Trường Chinh họp bộ Chính Trị và những thay đổi đường lối của đảng CSVN bắt đầu từ đó. Lý thuyết gia tùng được coi là bảo thủ và giáo điều nhất – theo Trần Quỳnh
, thật ra là người ba phải và đón gió nhất – của đảng CSVN đã quay sang “đổi mới” và đưa ra khẩu hiệu “đổi mới hay là chết”.

Trường Chinh triệu tập những cán bộ cao cấp và ra chỉ thị sửa đổi lại các văn kiện sẽ được trình bày ở đại hội VI sắp tới. Cuộc họp diễn ra ở Đồ Sơn được Hà Đăng, tổng biên tập bào Nhân Dân, gọi là “hội nghị ba quan kiểm”,[4] gồm có:

– Về kinh tế, hội nghị công nhận lỗi lầm đã coi trọng công nghiệp nặng, khiến vốn liếng nhà nước đổ hầu hết vào một số công ty quốc doanh lớn như công ty Cơ khí Hà Nội, công ty Than Cẩm Phả, công ty xi-măng… nhưng những công ty này luôn luôn kinh doanh lỗ lã. Hội nghị đề nghị thay đổi bằng cách thay vì ra sức phát triển kỹ nghệ thì nên tập trung phát triển lương thực và hàng tiêu dùng.

– Về việc cải tạo xã hội chủ nghĩa (do Đỗ Mười phụ trách), hội nghị thấy đã bị thi hành một cách quá triệt để và toàn diện, xóa bỏ hết tư hữu khiến mọi ham muốn làm ăn, buôn bán bị triệt tiêu.

– Về cơ chế quản lý tập trung, quá quan liêu, bao cấp, mọi kế hoạch đều dựa vào ý muốn chủ quan, duy ý chí chứ không dựa vào thị trường.

Từ hội nghị này, nền móng của đổi mới kinh tế được thiết lập, nhưng từ ngữ “kinh tế thị trường” vẫn chưa được dùng. Văn kiện chỉ nói đường lối đó là “hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa.”

Trong thời gian này, đảng cộng sản đang chuẩn bị tổ chức đại hội lần thứ VI, dự định vào cuối tháng 12-1986, nhiều vận động về nhân sự đã xảy ra.

Lê Đức Thọ, người có nhiều thế lực và vây cánh nhất trong đảng cộng sản và bộ Chính Trị không chịu ngồi yên. Khi Lê Duẩn bị bệnh nặng, ông ta đòi Lê Duẩn viết chúc thư truyền chức tổng bí thư cho mình nhưng Lê Duẩn không chịu.[5]

Sau khi Lê Duẩn chết, thời gian mà Trường Chinh tạm thời lên thay để chờ đại hội đảng lần thứ VI bầu tổng bí thư mới, Lê Đức Thọ đã đi khắp nơi để vận động.

Trong bộ Chính Trị, Lê Đức Thọ trông cậy nhiều vào Nguyễn Đức Tâm, Tố Hữu, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Anh, Chu Huy Mân, Đỗ Mười và Phạm Hùng. Tuy nhiên, trong số những người Lê Đức Thọ trông cậy thì Tố Hữu đã bị loại vì phạm lỗi lầm khi làm phó thủ tướng đặc trách kinh tế, Văn Tiến Dũng và Chu Huy Mân không được quân đội bầu làm đại biểu tham dự đại hội đảng vì tham nhũng, Phạm Hùng ủng hộ Nguyễn Văn Linh vì được hứa sẽ làm thủ tướng, Đỗ Mười và Lê Đức Anh cũng theo thời thế mà chuyển sang phe đổi mới để được tiến thân.

Trước viễn tượng bị thua phiếu Trường Chinh khi tranh chức tổng bí thư và còn được Lê Đức Anh cho biết là trong quân đội, đang có dư luận vận động để Võ Nguyên Giáp được cử làm thủ tướng, Trường Chinh tổng bí thư Phạm Văn Đồng chủ tịch nhà nước, nên Lê Đức Thọ cảm thấy bất an.

Tuy Trường Chinh nhờ là người miền Bắc và luôn luôn thuận theo ý kiến Lê Duẩn nên đã được giữ lại ở bộ Chính Trị, nhưng dù ở vị trí số hai, suốt ba mươi năm Trường Chinh đã bị Lê Duẫn và Lê Đức Thọ gạt ra ngoài như một kẻ đứng bên lề, không có một chút thực quyền. Trong khi đó, Võ Nguyên Giáp còn bị đối xử tàn tệ hơn, năm 1982 đã bị Lê Đức Thọ hoàn toàn loại trừ nên chắc chắn sẽ không để Lê Đức Thọ yên nếu được phục hồi quyền chức.

Thấy không thể tranh với Trường Chinh và không thể để Võ Nguyên Giáp nhờ Trường Chinh mà có cơ hội trở lại, Lê Đức Thọ một mặt tìm cách bảo vệ và nâng đỡ những người thân cận như Nguyễn Đức Tâm, Lê Đức Anh, sắp xếp để cho em ruột của mình là Mai Chí Thọ, đang là bí thư thành ủy thành phố HCM, và cháu rể là Nguyễn Thanh Bình, vào bộ Chính Trị.

Mặt khác, Lê Đức Thọ viết thư cho Trường Chinh và Phạm Văn Đồng, đề nghị cả ba Chinh, Đồng, Thọ vì tuổi già nên từ chức nhường chỗ cho thế hệ sau. Lá thư này do Nguyễn Khánh, chánh văn phòng ban bí thư, đích thân đưa cho hai người. Lê Đức Thọ cũng dọa sẽ làm rối loạn đại hội đảng nếu hai người này không chịu.

Trước hoàn cảnh đó, Trường Chinh và Phạm Văn Đồng sợ mang tiếng tham quyền cố vị nên đành chịu rút lui và Võ Nguyên Giáp cũng mất luôn cơ hội được trở lại quyền vị. Nguyễn Văn Linh, người có thành tích cởi mở nhất, gần gũi với đường lối mới của Nga Xô nhất, được Lê Đức Thọ ủng hộ lên chức tổng bí thư.

Theo một tài liệu, chính Lê đức Thọ đã gọi Nguyễn Văn Linh đến và bảo: “Kỳ đại hội này sẽ sắp xếp để cho đồng chỉ làm tổng bí thư.” Vì đã nắm quyền ở ban tổ chức trên 20 năm, nên dù từ chức, Lê Đức Thọ vẫn còn có ảnh hưởng lâu dài trong trung ương đảng cho đến lúc chết.

Ngoài Nguyễn Văn Linh, năm 1986 cũng là một năm may mắn cho Lê Đức Anh. Được Lê Đức Thọ nâng đỡ, trong năm 1982 Lê Đức Anh đã được vào bộ Chính Trị trong khi thượng cấp của Lê Đức Anh là Lê Trọng Tấn, tổng tham mưu trưởng quân đội vẫn không được vào. Khi Văn Tiến Dũng sắp bị mất chức bộ trưởng quốc phòng, hai người được chỉ định thay là Hoàng Văn Thái rồi Lê Trọng Tấn lần lượt đột ngột qua đời. Cái chết bất ngờ của hai người cùng với việc tướng Phan Bình, từng đặc trách tình báo quân đội (Cục C2), tự tử trong thời gian các phe phái đang tranh giành quyền lực đã nêu lên nhiều nghi vấn, vì vợ của Phan Bình vẫn cho là Phan Bình bị bắn chết và vài ngày sau, con trai lớn của Phan Bình cũng bị hạ sát.[6]

Người ta ngờ cái chết của Phan Bình có liên quan đến cục C2, và những người thay Phan Bình làm cục trưởng C2 là Như Văn sau đó là Đặng Vũ Chính đều là người từng làm việc với Lê Đức Thọ và Lê Đức Anh ở Campuchia. Trong khi đó, Hoàng Văn Thái và Lê Trọng Tấn là người thân cận với Võ Nguyên Giáp.

Sau cái chết của hai viên tướng này, đại diện quân đội tại bộ Chính Trị không còn là những tướng lãnh kỳ cựu ở bộ tổng tham mưu hay bộ quốc phòng được đôn lên mà lấy từ những quân khu miền Nam (như Lê Đức Anh) hay miền Trung (như Đoàn Khuê).

Nếu mấy năm trước, nhờ lầm lỗi của Trần Văn Trà mà Lê Đức Anh được chỉ huy mặt trận Campuchia thì năm 1986, nhờ cái chết bất ngờ của Hoàng Văn Thái và Lê Trọng Tấn mà Lê Đức Anh được lên làm tổng tham mưu trưởng và mấy tháng sau, nắm bộ quốc phòng rồi sau dó làm chủ tịch nhà nước. Dù cho có những lời tố cáo về việc khai gian lý lịch và những hành động sai trái trong quá khứ, Lê Đức Anh vẫn có thể tiến thân nhờ được Lê Đức Thọ che chở và từ đó cho tới nhiều năm sau, Lê Đức Anh trở nên một người có nhiều quyền lực và phe cánh của ông ta cũng được cất nhắc.

Bốn năm trước, đại hội đảng lần thứ V của đảng CSVN được họp trong khí thế đang lên của phong trào cộng sản toàn cầu. Vì thế, những lãnh tụ của đảng này đã nhận lãnh vai trò làm người lính tiên phong cho đế quốc Nga Xô tại vùng Nam Thái Bình Dương và quyết tâm xã hội chủ nghĩa hóa Việt Nam một cách triệt để. Rủi thay, sự bành trướng của phong trào cộng sản đó chỉ như một ngọn lửa cháy bùng trước khi tàn rụi. Bốn năm sau, sự suy sụp của đế quốc Nga Xô đã đưa Việt Nam vào hoàn cảnh ý thức hệ bị lung lay, ngoại giao bị cô lập, quân sự bị sa lầy. Đồng thời, những biện pháp cải tạo kinh tế xã hội chủ nghĩa đã khiến kinh tế Việt Nam sa sút trầm trọng, gần như khánh tận. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, đảng CSVN chuẩn bị họp đại hội lần thứ VI để họp bàn những biện pháp thay đổi để sống còn. Nhưng những biện pháp “đổi mới hay là chết” này thật ra chỉ nhằm để cứu sống giai cấp thống trị mà thôi.


[1] Trận chiến Việt Hoa năm 1981 và 1984 ở Faka và Núi Đất: bài của Bách Việt Nhân trong Vietnamexodus, lấy tài liệu và hình ảnh từ quân đội Trung Quốc.

[2] Năm 1986, ngoài cái chết của Lê Duẩn còn có nhiều cán bộ kỳ cựu khác cũng chết như Lê Thiết Hùng, cựu tư lệnh liên khu Tư và chỉ huy trưởng Trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn, Trần Quốc Hoàn, tên thật Nguyễn Trọng Cảnh, từng là bộ trưởng bộ Công An, Hoàng Văn Thái, thứ trưởng Quốc Phòng, Lê Trọng Tấn, tổng tham mưu trưởng quân đội, Tạ Quang Bửu, cũng một thời là thứ trưởng Quốc Phòng…

[3] Theo Hứa Hoành, thuở sinh thời, Lê Duẩn có ba vơ, bà vợ chính tên Cao Thị Khê ở Quảng Trị, cưới khi Duẩn 20 tuổi, có em là Cao Xuân Diệm, sau này trở nên trung tướng công an Dương Thông phụ trách đàn áp văn nghệ sĩ. Bà thứ hai là Đỗ Thị Sảnh. Năm 1942, khi hoạt động trong Nam. Lê Duẩn dùng thủ đoạn cưới thêm bà Thụy Nga cháu gội ông Đỗ Hữu Vị (đại úy phi công Việt Nam đầu tiên trong quân đội Pháp) bằng chú. Sau 1954, vì bị bà Khê đánh ghen, Lê Duẩn phải gửi bà Nga sang Thiên Tân lánh nạn một thời gian. Ngoài ba bà vợ, Lê Duẩn cũng đã lăng nhăng với nhiều người khác. Theo nhà văn Xuân Vũ, bà Thụy Nga đã có người yêu nhưng bị Lê Đức Thọ dàn xếp lừa bà vào một căn lều vắng để Lê Duẩn đến cưỡng hiếp khiến bà phải chịu làm vợ ba. Trong bài báo Người Vợ Miền Nam (để phân biệt với hai bà miền Trung) trên báo Tiền Phong ngày 25/6/06, câu chuyện được tình tiết hóa là vì người yêu của bà Thụy Nga hoạt động tình báo nội thành nên đảng không cho phép cưới. Ngay sau hôm đảng cho bà biết quyết đinh này, Lê Duẩn “tình cờ” đi ngang gặp bà và ngay buổi chiều, đã nói với Lê Đức Thọ dàn xếp cưới bà Thụy Nga làm vợ ba và bà này cũng bằng lòng ngay ngày hôm sau. Câu chuyện của báo Tiền Phong kể lại tuy phi lý là bà Nga đã thay lòng đổi dạ chỉ trong vòng một đêm, không có lẽ đúng sự thật, chỉ trừ bài báo đã không dám đăng chuyện “cái đêm hôm ấy đêm gì” như nhà nhà văn Xuân Vũ kể lại. Trong Lớn Lên Với Đất Nước, tác giả Vy Thanh, một cựu đảng viên kể lạ
i là Lê Đức Thọ cũng đã nhiều lần dùng thủ đoạn “ván đã đóng thuyền” này.

[4] Cuộc họp “ba quan điểm” của trung ương đảng do Trường Chinh triệu tập ở Đồ Sơn để sửa soạn đổi mới, trích từ bài “Đêm Trước Đổi Mới “ đăng trong website Thanh Niên.

[5] Việc Lê Đức Thọ xin Lê Duẩn giúp để làm tổng bí thư theo cuốn Làm Người Khó, Làm Người Xã Hội Chủ Nghĩa Còn Khó Hơn của Đoàn Duy Thành. Trong cuốn sách, Đoàn Duy Thành kể lại là sau khi Lê Duẩn chết, các con của Lê Duẩn rất lo sợ là cả gia đình sẽ bị Lê Đức Thọ thanh toán. Do vây cánh Lê Đức Thọ còn mạnh, con cái Lê Duẩn mấy năm sau đó đã không được nâng đỡ về chính trị. Nhờ có tiền của cha me và quan hệ, một người con là Lê Kiên Thành mở công ty Thiên Minh, kinh doanh rất phát đạt. Sau khi có tiền, năm 2007 tự ra ứng cử quốc hội. Không ở trong danh sách được đảng chọn lựa, dĩ nhiên Thành thất cử.

[6] Vợ Phan Bình kể lại, khi đưa xác Phan Bình về nhà ở Hà Nội làm tang lễ, người con lớn kêu khóc “Bố bị người ta bắn chết”. Anh ta bị công an đem vào bệnh viện tâm thần rồi mấy ngày sau chết ở đó.

March 31, 2008 Posted by | Uncategorized | Leave a comment

Còn dị biệt thì còn đọc

Chương II (phần 1/2)

SAU ĐẠI HỘI ĐẢNG LẦN THỨ V (1982-1986)

Đại hội đảng lần thứ V của đảng CSVN được tổ chức từ ngày 27 đến ngày 31-3-1982 để đưa ra những biện pháp đối phó với tình trạng khó khăn đang gặp phải trên tất cả mọi phương diện: chính trị, ngoại giao kinh tế… Thật ra đại hội này được triệu tập chỉ nhằm củng cố thêm quyền hành của Lê Duẩn và Lê Đức Thọ.

Lúc đó là những năm cuối của chiến tranh lạnh. Cục diện thế giới trên thực tế chỉ có hai phe, Cộng Sản và Tư Bản. Trung Quốc lúc đó vẫn mò mẫm trong chính sách mở cửa. Các lãnh tụ CSVN lúc đó còn chói ngợp với thành tựu bề ngoài của Nga Xô nên vẫn kiên định đứng hẳn về phía Nga Xô và nhất tâm học tập theo mô thức Nga Xô để tiến lên xã hội chủ nghĩa.

Về nhân sự lãnh đạo, đại hội đảng CSVN lần thứ V năm 1982 bầu ra một Bộ Chính Trị mới gồm 13 ủy viên, chính thức xếp theo thứ tự:

1. Lê Duẩn, tổng bí thư.

2. Trường Chinh, kiêm chủ tịch quốc hội.

3. Phạm Văn Đồng, thủ tướng.

4. Phạm Hùng, phó thủ tướng.

5. Lê Đức Thọ, ban tổ chức đảng.

6. Văn Tiến Dũng, bộ trưởng quốc phòng.

7. Võ Chí Công, phó thủ tướng dặc trách nông nghiệp

8. Chu Huy Mân, chủ nhiệm tồng cục chính trị quân đội.

9. Tố Hữu, phó thủ tướng đặc trách kinh tế.[1]

10. Võ Văn Kiệt, chủ nhiệm Uỷ Ban KHNN.

11. Đỗ Mười, phó thủ tướng.

12. Lê Đức Anh, tư lệnh “quân tình nguyện” ở Campuchia.

13. Nguyễn Đức Tâm, phó ban tổ chức đảng.

Hai ủy viên dự khuyết là Nguyễn Cơ Thạch và Đồng Sĩ Nguyên.

Trong số 13 người của bộ Chính Trị, có 5 người mới, nhưng ba người là Tố Hữu, Lê Đức Anh và Nguyễn Đức Tâm từng là thân cận của Lê Duẩn và Lê Đức Thọ. Ở kỳ đại hội này, có một nhân vật đặc biệt là Trần Xuân Bách, tuy không được vào bộ Chính Trị nhưng được cử vào ban bí thư, có lẽ nhờ Lê Đức Thọ biết khả năng khi cùng làm việc ở Campuchia. Võ Nguyên Giáp đã bị loại khỏi bộ máy chính quyền sau khi mất chức ủy viên bộ Chính Trị và phải nhường chức bộ trưởng Quốc Phòng cho Văn Tiến Dũng.

Trong những ủy viên mới, chỉ có Võ Văn Kiệt tương đối có đầu óc cấp tiến, còn tất cả đều rập khuôn theo quan niệm giáo điều của Lê Duẩn và xa xôi hơn là của Brezhnev bên Nga Xô. Năm ủy viên bộ Chính Trị bị loại gồm Võ Nguyên Giáp,[2] Nguyễn Duy Trinh, Trần Quốc Hoàn, Lê Văn Lương và Nguyễn Văn Linh.

Trong số năm người không còn ở trong bộ Chính Trị, chỉ có Nguyễn Văn Linh là tự ý xin ra. Vì đã hoạt động nhiều năm trong Nam cho nên khi được đề cử vào bộ Chính Trị năm 1976, Nguyễn Văn Linh được giao trách nhiệm cải tạo kinh tế miền Nam. Vì không thi hành những biện pháp cải tạo khắt khe như những ủy viên bảo thủ thuộc phe cánh Lê Duẩn và Lê Đức Thọ mong muốn nên chỉ một thời gian ngắn sau đó, Nguyễn Văn Linh bị Đỗ Mười thay thế, và bị chuyển qua làm những công tác không quan trọng như ban dân vận rồi công đoàn, sau cùng là ban kiểm tra trung ương. Đến cuối năm 1982, gần đến ngày đại hội đảng lần thứ V, chịu đựng không nổi sự chèn ép, Nguyễn Văn Linh xin được rút ra khỏi bộ Chính Trị, trở về thành phố HCM làm bí thư thành ủy, thay thế cho Võ Văn Kiệt về trung ương. Ba mươi năm sau, Võ Trần Chí, bí thư thành ủy năm 1986, có hỏi Nguyễn Văn Linh về việc này thì Nguyễn Văn Linh trả lời là “Mấy anh ấy không muốn thấy mình ở đó.

Khác với Nguyễn Văn Linh, một ủy viên khác là Võ Nguyên Giáp, dù không muốn từ chức nhưng lại bị ép phải rút lui. Trong một bài phát biểu tại hội nghị trung ương đảng gần mười năm sau (ngày 27-5 -1991), ông ta đã tiết lộ là dù trong năm 1982, ông được đa số đại biểu đề cử để ở lại bộ Chính Trị, nhưng bị Lê Đức Thọ ép phải rút lui cùng bốn ủy viên già nua khác, lấy cớ là phải nhường chỗ cho lớp người trẻ. Võ Nguyên Giáp đã phải chờ đến khi Lê Đức Thọ chết mới dám công khai bày tỏ những oan ức nhục nhằn phải gánh chịu trong nhiều năm là vì Lê Đức Thọ, với cương vị trưởng ban tổ chức đảng nắm giữ hồ sơ của tất cả đảng viên, đã biết được nhiều yếu điểm trong lý lịch Võ Nguyên Giáp, chẳng hạn như hồi nhỏ, Võ Nguyên Giá
p từng được Marty, chánh mật thám Pháp ở Hà Nội coi
như con nuôi, việc Võ Nguyên Giáp viết một lá đơn xin Pháp cho đi du học với lời lẽ thành khấn quị lụy…

Ngoài việc quyết định thành phần nhân sự, đại hội đảng lần thứ V năm 1982 cũng thông qua một bản hiến pháp, được soạn thảo từ năm 1980, gần giống hệt như hiến pháp của Nga Xô.

Quyết tâm theo khuôn mẫu Nga Xô, năm 1985, cộng sản Việt Nam dựng tượng Lê Nin cao khoảng 5 thước tại Hà Nội, không biết rằng những tượng như vậy chỉ mấy năm sau đã bị lật đổ ở khắp nơi kể cả Đông Âu lẫn Nga Xô.[3] Cách tổ chức chính quyền cũng theo Nga Xô lập ra Hội Đồng Nhà Nước, giống như Chủ Tịch Đoàn Tối Cao Xô Viết và chức Thủ Tướng được thay bằng chức Chủ Tịch Hội Đồng Bộ Trưởng. Câu “học tập tư tưởng Mao Trạch Đông…” trong lời mở đầu của Hiến Pháp trước bị loại bỏ. Thay vào đó, lời mở đầu của Hiến Pháp và cuốn Điều Lệ Đảng được thêm vào câu “Trung Quốc là kẻ thù lâu đời và nguy hiểm nhất.” Bản tu chính Hiến Pháp còn ghi rõ “vừa trải qua ba mươi năm chiến tranh giải phóng, đồng bào ta thiết tha mong muốn có hòa bình để xây dụng tổ quốc, nhưng lại phải đương đầu với bọn bá quyền Trung quốc xâm lược cùng bè lũ tay sai của chúng ở Campuchia.

Điều 67 của Hiến Pháp ghi là bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp… nhưng, những quyền này hoàn toàn bị chi phối bởi câu “không ai có thể lạm dụng những quyền này để vi phạm quyền lơi của nhân dân và nhà nước.” Suy diễn về “vi phạm quyền lợi của nhân dân và nhà nước” rất tùy nghi và độc đoán nên một cá nhân bị một tội rất nhẹ cũng có thể bị qui thành những tội chính trị và ở tù rất lâu. Ngoài ra, về đối ngoại, CSVN gọi quan hệ với Nga Xô là “hòn đá tảng” và việc chiếm đóng Campuchia là một điều “không thể đảo ngược”.

Vì tàn binh của Khmer Đỏ được Trung Quốc viện trợ vẫn có thể tiếp tục một cuộc chiến tranh du kích và phá hoại, Việt Nam đã phải đồn trú tại Campuchia một quân số khoảng gần 200 ngàn quân, lấy từ những quân khu miền Nam[4] nhằm ngăn chặn sự xâm nhập, Lê Đức Anh cho lập một phòng tuyến gồm những bãi mìn, hầm chông dọc theo biên giới Thái gọi là khóa “K5”.[5]

Trong khi đó, tại biên giới phía Bắc, Trung Quốc tiếp tục gây ra cuộc chiến phá hoại đa diện[6] thường xuyên cho binh lính xâm nhập quấy rối biên giới, phá hoại đường xá, cầu cống, pháo kích các thị xã làng mạc, khiến Việt Nam phải duy trì khoảng 500 ngàn quân, thành lập một “thành lũy thép” dọc theo biên giới.[7]

Khi công nhiên dựa vào Nga Xô và trực tiếp thách đố Trung Quốc, Việt Nam đã không đế ý đến những nhu cầu và dấu hiệu mà hai nước cộng sản đàn anh này cần phải hòa hoãn với nhau. Cả hai nước cộng sản đối nghịch nhau này đều muốn kết thân với Hoa Kỳ nhưng Trung Quốc sau một thời gian ngắn thân thiết với Hoa Kỳ, đã rất bất bình vì Hoa Kỳ vẫn muốn tiếp tục bán võ khí cho Đài Loan. Còn Nga Xô, một mặt không muốn vì Việt Nam mà lơ là với một khối kinh tế năng động đang phát triển mạnh mẽ là những nước ASEAN, mặt khác Nga Xô đang gặp khó khăn khi phải chạy đua võ trang với Hoa Kỳ trong thời kỳ của tồng thống Reagan, cũng muốn trở lại kết thân với Trung Quốc. Vì thế, khi phó thủ tướng Lý Tiên Niệm của Trung Quốc tuyên bố vào cuối năm 1981 là Trung Quốc sẵn sàng trở lại đàm phán để có quan hệ bình thường với Nga Xô thì ngày 24-3-1982, Brezhnev cũng kêu gọi phải cải thiện ngoại giao giữa hai nước. Ông nhắc lại là Nga Xô chưa bao giờ chấp nhận có “hai nước Trung Quốc” (lục địa và Đài Loan) và cũng chưa bao giờ nói là “không có xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc.” Những giao dịch kinh tế, thương mại, văn hóa giữa hai nước đã bắt đầu ngày một cải thiện, dù Nga Xô chưa đáp ứng việc giải quyết ba trở ngại cho việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước do Trung Quốc nêu ra.

“Ba trở ngại” này gồm có:

1 Nga Xô phải rút quân ra khỏi Afghanistan

2. Chấm dứt khiêu khích ở biên giới Trung – Xô

3. Giải quyết dút khoát vấn đề Campuchia.

Khi Brezhnev chết, Trung Quốc cũng cử ngoại trưởng Hoàng Hoa sang dự đám tang. Hai năm sau, sau nhiều năm không có những tiếp xúc chính thức, tháng 12 năm 1984, phó thủ tướng Nga Xô Ivan Arkhipov lần đầu sang thăm Bắc Kinh và mấy tháng sau, phó thủ tướng Trung Quốc Di
u Nghĩa Lâm (Yao Yilin) sang Mạc Tư Khoa đáp lễ.
[8]

Để thiết lập một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, chính quyền CSVN dự tính thực hiện qua ba giai đoạn:

1. Giai đoạn thứ nhất, 1976-1980, hay kế hoạch ngũ niên lần thứ hai, để hòa hợp kinh tế miền Nam vào giống như hệ thống kinh tế miền Bắc.

2. Giai đoạn thứ hai, 1981-2005 gọi là “kỹ nghệ hóa xã hội chủ nghĩa” dự trù gồm có 2 đợt, đợt đầu từ 1981 đến 1990 và đợt hai từ 1991 đến 2005 để thực hiện nền móng vật chất cho xã hội chủ nghĩa.

3. Giai đoạn thứ ba, 2006-2010, dự trù là giai đoạn “hoàn chỉnh thời kỳ chuyên tiếp”.

Tuy nhiên, vì kế hoạch ngũ niên thứ hai từ 1976-1980 để cải tạo công thương nghiệp miền Nam đã làm cho kinh tế cả nước sa sút trầm trọng, đảng cộng sản đã phải sửa đổi lại kế hoạch ban đầu. Đại hội đảng lần thứ V đặt ra kế hoạch ngũ niên lần thứ ba (1981-1985 ) nhấn mạnh nông nghiệp là ưu tiên hàng đầu, sau đó là sản xuất hàng tiêu dùng, và công nghiệp chủ yếu là để hỗ trợ cho hai mục tiêu kể trên.

Để khuyến khích sản xuất, từ 1981, nông dân được phép canh tác trên ruộng đất của tập thể, nhưng phải ký hợp đồng trả lại cho nhà nước một số lúa gạo qui định nào đó. Số lúa gạo thặng dư, nông dân có thể bán ra thị trường tự do hay bán lại cho nhà nước. Biện pháp “làm khoán” này từng được bí thư tỉnh Vĩnh Phú là Kim Ngọc áp dụng gần hai mươi năm trước, nhưng Kim Ngọc đã bì trung ương đảng khiển trách và trừng phạt vì biện pháp này bị coi như sai lầm về chính trị.

Các công ty công tư hợp doanh nhỏ cũng được cho phép hoạt động tại miền Nam để sản xuất hàng tiêu dùng và xuất cảng, nhưng những hãng xưởng qui mô lớn, những ngành kỹ nghệ quan trọng như sắt thép, dầu hỏa, xi măng, hóa chất v.v… đều bị nhà nước quốc hữu hóa hay cưỡng ép trở nên những “công ty hợp doanh”.

Thêm vào đó, Việt Nam còn phải đôi đầu với nhiều vấn đề: cô lập về ngoại giao, lệnh cấm vận của chính phủ Hoa Kỳ và nhất là cuộc chiến trường kỳ và đa diện” của Trung Quốc cho nên tình hình kinh tế ngày càng suy sụp.

Trước tình trạng khó khăn đó, tại miền Nam, nhất là tại thành phố HCM, Võ Văn Kiệt rồi Nguyễn Văn Linh đã nhắm mắt để cho một số doanh thương “xé rào”, bất chấp cái cơ chế qui hoạch và tập trung mà chính quyền trung ương Hà Nội đề ra. Một số doanh thương được thành ủy TP/HCM cho phép cùng chính quyền địa phương lập ra những công ty hợp doanh để làm ăn theo lối kinh tế thị trường. Công ty đầu tiên do Phan Chánh Dưỡng, một nhà kinh doanh gốc Hoa được Võ Văn Kiệt cho phép thành lập là công ty Cholimex, mua nông phẩm của dân theo giá thị trường (chẳng hạn mua sắn của dân Pleiku với giá 4$50, thay vì 2$ như nhà nước qui định) đem sang Hồng Kông bán rồi mua bột ngọt, tơ sợi, máy móc về bán theo giá thị trường. Với cách làm ăn này, công ty Cholimex cũng như công ty dệt của Bùi Văn Long làm ăn rất phát đạt, giúp nông dân và công nhân tăng gia sản xuất, đồng thời cũng kiếm lời cho nhà nước hàng triệu mỹ kim.

Những công ty này hoạt động chưa được một năm thì bị nhóm lãnh đạo ở trung ương chỉ trích vì đường lối kinh doanh đã đi trật đường hướng xã hội chủ nghĩa. Ngày 14-9-82, bộ Chính Trị ra nghị quyết 01/NQ-TW phê bình đảng bộ TP/HCM “có phần buông lơi chuyên chính vô sản trên mặt trận phân phối lưu thông…”.

Bùi Văn Long về sau kể lại “Tôi đã nhẩm tính cặn kẽ, không dưới 26 đoàn thanh tra, kiểm tra quần tới bến những đơn vị trong thành phố do tôi quản lý. Họ hoạnh họe, hạch sách chúng tôi đủ điêu… Tất tần tật, chỉ thiếu mỗi một điều là chưa dùng tới còng số 8 để “nói chuyện” với cấp dưới của tôi…” Một giám đốc viết thư lên thành ủy: “Thú thật, chúng tôi không dám tìm tòi làm theo cách mới nữa. Trên bảo sao, làm vậy cho yên. Nếu làm khác, may thì bị thanh tra phê bình lập trường quan điểm. Nặng, có thể vào tù vì tội cố ý làm trái…” Ngay cả Mai Chí Thọ, khi đó là chủ tịch ủy ban Nhân dân thành phố, vì ủng hộ cởi mở kinh tế đang bị bệnh cũng bị bộ Chính Trị bắt đi họp để hỏi tội.

Khoảng thời gian đó, trong khi tại những nước lân bang vùng Đông Nam Á, nền kinh tế tự do và năng động đã tạo nên những thành quả nhảy vọt thì chính sách kinh tế nhà nước chỉ huy của Việt Nam suốt hai kế hoạch ngũ niên vẫn tiếp tục đưa đến những kết quả thảm hại.

Năm 1985, phó thủ tưởng đặc trách kinh tế Tố Hữu cho đổi tiền. Nhân dân biết là đồng tiền mất giá nên giá cả hàng hóa tăng vọt. Lạm phát năm 1986 lên tới 700%. Hậu quả tai hại của nhà thơ làm kinh tế này được ghi nhận trong bản báo cáo chính trị cua đại hội VI: “Sai lầm về cuộc tổng điều chỉnh giálương-tiền cuối năm 1985 đã làm cho nền kinh tế xã hội Việt Nam lún sâu vào khủng hoảng, phân phối càng thêm rối ren căng thẳng, vật giá tăng nhanh, ngân sách thâm hụt lớn, lạm phát phi mã, hiệu quả sản xuất và đầu tư thấp…”

Vì thế, tháng 6-1986, Việt Nam phải cải tổ chính phủ. Tố Hữu cùng các bộ trưởng liên quan đều bị mất chức, trong đó có bộ trưởng tài ch
ánh Chu Tam Thức (Vũ Tuân thay thế), bộ trưởng nội thương Lê Đức Thịnh (Hoàng Minh Thắng thay thế), bộ trưởng ngoại thương Lê Khắc (Đoàn Duy Thành thay thế), tổng giám đốc ngân hàng Nguyễn Duy Giá (Lữ Minh Châu thay thế), bộ trưởng mỏ than Nguyễn Chân đều bị mất chức.
[9]

Những thụt lùi về kinh tế của Việt Nam so với các nước lân bang như Thái Lan, Tân Gia Ba, Mã Lai... có lẽ sẽ còn kéo dài và CSVN sẽ vẫn tiếp tục chính sách kinh tế tập trung xã hội chủ nghĩa nếu không có những thay đổi chính trị ở Nga Xô, một nước mà những lãnh tụ CSVN luôn sùng bái và học tập theo khuôn mẫu.

Những năm đó, nền kinh tế thiếu sinh động của Nga Xô đã đến giai đoạn quá trì trệ và cái chết của Brezhnev năm 1982 đánh dấu một sự suy sụp toàn diện. Hai lãnh tụ kế tiếp là Andropov và Chernenko vì bệnh tật và tuổi tác chỉ cầm quyền một thời gian ngắn nên đã không đưa ra một biện pháp cải thiện nào cho đến khi Gorbachev lên cầm quyền vào tháng 3 năm 1985.

Trước những khó khăn về kinh tế và xã hội của Nga Xô, Gorbachev phải đưa ra những biện pháp cách mạng. Về đối nội, Gorbachev phát động chính sách “cởi mở” (glasnov) để bài trừ tham nhũng và “tái cấu trúc” (perestroika) để cải tổ lại kinh tế. Về đối ngoại, ông chủ trương hòa hoãn với Hoa Kỳ và Trung Quốc để dồn hết mọi nỗ lực vào việc phục hưng kinh tế. Những thay đổi này đã được thông báo cho Việt Nam nên đảng CSVN cũng phải từ từ chuyển hướng.


[1] Tố Hữu, bí danh Lành, thường chỉ phụ trách tuyên huấn. Vì ở cùng quê, nên rất thân thiết với Lê Duẩn, Nguyễn Chí Thanh, Trần Quỳnh… Được Lê Duẩn và Lê Đức Thọ cất nhắc chuẩn bị thay Phạm Văn Đồng. Với bài thơ ca tụng Staline, Tố Hữu dĩ nhiên được Nga Xô tin tưởng, nâng đỡ khi Việt Nam chủ trương kết thân với Nga Xô. Vì ở cùng phe cánh với Lê Duẩn, Tố Hữu đã không ưa Võ Nguyên Giáp. Theo ông Hoàng Tiến, trong bài Sự Thật Ở Đâu, khi Tố Hữu làm phó thủ tướng đi nước ngoài về, có nhiều người ra phi trường đón trong số đó có Võ Nguyên Giáp, lúc đó chỉ là chủ nhiệm một ủy ban (khoa học hay ngừa thai). Tố Hữu đã bắt tay từng người. Khi đến lượt Võ Nguyên Giáp ông ta quay ngoắt đi chỗ khác. Hình ảnh này được chiếu trên truyền hình.

[2] Việc Võ Nguyên giáp bị ép rút lui: thư của Võ Nguyên giáp gửi cho trung ương đảng năm 1991.

[3] Tượng của Lê Nin được người dân Hà Nội gọi là tượng “chống kẻ cắp”, vì một tay ông để trong túi (giữ chặt ví tiền), tay kia chỉ về phía trước (hướng tên ăn cắp chạy). (Shadow and Wind, Robert Templer)

[4] Về những chi tiết của cuộc chiến ở Campuchia trong thời gian này, xin xem phần Phụ Lục.

[5] K” có lẽ là viết tắt chữ Khóa, 5 là vùng chiến trường thứ 5 trong quan niệm chiến thuật của Việt Nam lúc đó, chia Đông Dương ra làm 5 vùng chiến trường: Bắc (l), Trung (2), Nam Việt Nam (3) Lào (4) và Căm Pu Chia (5) Khóa K5 lập nên nhằm ngăn chân sự xâm nhập của những lực lượng chống đối từ biên giới Thái Lan tràn qua là một hành lang mìn, chông, những trạm gác…

[6] Ngoài các vụ pháo kích, bắn quấy rối, Trung Quốc còn có những trò tiểu xảo như: “thả nhiều quả mìn nhó, bọc nhựa màu xanh, một số lớn mang ký hiệu 652A trên các dòng sông bắt nguồn từ Trung Quốc chảy vào Việt Nam, gây ra chiều vụ nổ…” (Tài liệu từ Việt Nam, Năm Thứ 12 của Chánh Đạo)

[7] Thành lũy thép” (Vietnam People Army, Douglas Pi ke)

[8] Tài liệu trong Brother Enemy, Nayan Chanda.

[9] Về hậu quả chính sách kinh tế của Tố Hữu, trích Giáo trình Lịch Sử Đảng CSVN, nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia.

March 31, 2008 Posted by | Uncategorized | Leave a comment

Where you are with your computer is no secrete.

Map_Loco.jpg
Đã gỡ ra.

Cái map trên có vẻ vô ích. Chỉ để nói rằng người chủ blog có thể biết được khách đang dùng IP ở đâu trên thế giới.

March 28, 2008 Posted by | Uncategorized | 6 Comments

Có thể thế sao?

Tin từ tờ Công An TPHCM ngày 23-3-2008:

“Cô Lê Thị Thanh Thảo, 27 tuổi, cư ngụ tại Bến Cát Bình Dương, đã dùng dao Thái giết hai đứa con ruột mình là Nguyễn Lê Bảo Trâm (SN 2004) và Nguyễn Lê Trúc Anh (SN 2007, vì nghi ngờ chồng mình là Nguyễn Bảo Nghi (31 tuổi) có quan hệ với người phụ nữ khác ở TPHCM.”

Tờ báo kết luận “Tội ác này cần được xã hội lên án và xử lý đích đáng theo pháp luật”.

Blogger TDN chia sẻ:

Tôi lại không muốn lên án người mẹ này! Có lẽ cô cũng muốn tự tử sau khi giết con, nhưng phút chót quá sợ hãi nên cầm dao ra công an Bến Cát mà tự thú. Những ngày còn lại chắc cô sẽ khổ sở vì hành động giết con của mình.

Tôi lại nghĩ đến bao nhiêu người mẹ giết con mình trong bào thai hằng ngày, mà xã hội cho là ‘bình thường’ và lương tâm các bà mẹ ấy thanh thản… và sẵn sàng làm một cuộc giết con của mình một lần nữa!
——————————————————

Trộm nghĩ:

Cầm dao giết chết 2 đứa trẻ, một đứa 4 tuổi và một đứa có lẽ chưa biết đi, dễ dàng đến thế hay sao? Cầm khẩu súng tự động bắn vào người khác dễ dàng hơn nhiều. Dù là bắn vào nhiều người một lúc. Nhưng đằng này. Tay phải gớm chứ. Lại nữa, đó là con mình, tim phải đau chứ. Giết xong một đứa phải hoảng loạn chứ, làm sao tiếp tục với đứa thứ hai. Mà đâm một nhát chưa chắc thằng bé chết. Người mẹ này phải liên tục đâm nhiều nhát. Càng tưởng tượng càng thấy báo CA nói dối, dựng chuyện để câu độc giả hay để tập cho người đọc quen dần với những hành vi tàn nhẫn, tập cho trái tim người Việt càng ngày càng trở nên chai cứng trước mọi đau khổ, bất hạnh của bất kỳ ai, kể cả con mình.

Khi đọc thấy một blogger viết “Cha đấu tố con, vợ đấu tố chồng”, tôi đã vội vàng chỉnh người đó rằng “cha không bao giờ đấu tố con, chỉ có con đấu tố cha thôi”. Nhưng nay, sự kiện mẹ giết con này — nếu có thực thì nó sẽ — thách thức niềm kiên tin của tôi vào tình yêu của cha mẹ đối với con cái. Lý luận dùng tục ngữ “nước mắt chảy xuôi” sẽ không còn được tôi áp dụng nữa! Và có thể niềm tin vào Cha Toàn Năng cũng sẽ lung lay.

Cầu mong đây chỉ là một hiện tượng, một sự kiện cá biệt, để niềm tin muôn đời của loài người vào tình yêu của cha mẹ không bao giờ có thể bị lay chuyển. Cầu mong rằng người phụ nữ kia chỉ là một người điên, hoặc đã lên cơn mất trí khôn vì quá ghen tuông, để chị thoát khỏi những trừng phạt của tình yêu con cái của chị. Và cầu mong chị sau khi tỉnh trí có được những lời khuyên bảo thông minh, giúp chị tự vượt qua được tòa án lương tâm của bản thân và được bình an.

Trên hết, cầu mong rằng chưa từng có và chưa từng bắt đầu một cuộc suy đồi đạo đức nào hết trong cộng đồng dân Việt. Xin chúng ta cùng hiệp tâm cầu nguyện. Với ý chí của lời cầu nguyện, dù đấng Toàn Chân Thiện Mỹ có nhận hay không, thì cái Tâm trong sáng của chúng ta sẽ không bao giờ để cho những suy đồi đạo đức đó xảy ra nơi bản thân mình và trong cộng đồng mình.

Thưa bạn TDN,

Một xã hội văn minh hơn là một xã hội trong đó các thành viên tử tế với nhau hơn và có ít tội ác hơn. Đối lại, muốn tránh tội ác, xã hội phải văn minh hơn. Các thành viên phải đủ hiểu biết để phân biệt Thiện-Ác. Xin đừng lên án những con người dại dột đã đồng tình và chủ ý phá thai: họ không biết việc họ làm là giết con. Chúng ta hãy cùng làm tất cả những gì có thể để giúp thanh thiếu niên (và cả xã hội nữa) hiểu và tin rằng bào thai không phải là cái noãn, mà nó đã là một con người.

HỒNG ĐỨC

Ngày 27/03/2008

March 27, 2008 Posted by | Uncategorized | 9 Comments

Đọc Cổ Văn (5)

Nhắc lại các định-luật Duy-vật biện-chứng-pháp ở đây, chúng tôi không có ý trình-bày và chứng-minh đầy đủ các chi-tiết cũng không có ý phê-bình chỗ sai chỗ đúng vì nó thuộc phạm vi của để-tài chủ-nghĩa Cộng-sản.

Ở đây, chúng tôi chỉ có ý nhắc lại một cách hết sức tóm tắt những quy-luật đã từng ảnh-hưởng tới cách suy-luận và phương-pháp làm việc của các cán-bộ Cộng-sản, để giúp chúng ta hiểu rõ những trang sau, khi bàn đến sách-lược và mánh-lới của họ.

Tuy-nhiên, để tránh một vài ảnh-hưởng không hay đối với một số độc-giả, chúng tôi xin phê-bình tóm tắt dưới phần cước chú này những định-luật kể trên.

Về định-luật “biến chuyển”: duy-vật biện-chứng-pháp gia cho rằng không có gì nhất định; không có gì tuyệt-đối, không có gì bất khả xâm-phạm: mọi vật đều đổi dời, chuyển động, biến hóa.

Nhưng xin hỏi Engels, chính câu nói của ông: “… không có gì tuyệt-đối” có tuyệt-đối đúng không? Nếu tuyệt-đối đúng thì đáng lý ra Engels phải thêm rằng: “không có gì tuyệt-đối trừ định-luật này”. Còn nếu chính câu đó cũng không nhất định đúng thì nó phải có lúc sai, nghĩa là có thể có cái tuyệt-đối.

Các nhà biện-chứng duy-vật xét rằng trên đời này cái gì cũng chuyển động rồi suy ra rằng cả cái nguyên-tắc thuần-lý cũng biến chuyển: “không có gì tuyệt-đối, không có gì bất khả xâm-phạm…”

Đành rằng khoa thiên-văn, vật-lý hiện thời cho biết vật-chất không có gì tĩnh tuyệt đối. Vì vũ trụ bao la chưa khám phá được hết. Có thể khám phá ra được một định tinh tuyệt đối tĩnh hay không, điều đó còn thuộc phạm vi khoa-học tương lai.

Nhưng căn cứ một cách tuyệt đối vào các nhận-xét khoa-học còn thiếu sót và có hạn này, để quả quyết rằng không có gì tuyệt đối cả trong phạm vi tinh thần, luận lý thì quả là mâu-thuẫn trầm trọng.

Thử hỏi suốt từ khi loài người biết suy-luận có ai nghi ngờ rằng “2 với 2” không phải là 4 hoặc cho rằng A vừa là A vừa không phải là A không? Mà nếu duy vật nghi ngờ ở những nguyên-lý căn-bản thuần lý ấy thì biện-chứng-pháp có nghĩa là gì? Duy vật cũng có thể là duy tâm rồi còn đâu?

Trong thực-tế nếu chịu tìm hiểu, hẳn các nhà duy vật cũng nhận thấy rằng bên cạnh những cái biến chuyển vẫn có những cái bất biến. Lấy một ví dụ cụ thể là một cá nhân, như Marx chẳng hạn. Thân thể Marx mỗi ngày một lớn, các tế bào trong con người vật chất ấy mỗi ngày mỗi đổi thay và có thuyết cho rằng cứ 7 năm một lần tất cả các tế bào đều đổi mới không còn một dấu vết gì như cũ. Tâm lý Marx cũng biến đổi không ngừng. Những cái mà Marx yêu thích hồi 14, 15 tuổi đến lúc 28, 29 tuổi Marx không còn thích nữa. Những điều mà Marx cho là đúng khi còn thanh-niên đến lúc về già Marx bảo là sai v.v.. và v.v… Nhưng có ai dám bảo Marx không phải là Marx? Rồi từ khi Marx chết cho đến nay, có người nguyền rủa Marx, có người thờ phụng Marx, xác của Marx đã tan rã rồi nhưng ai bảo Marx đã mất hẳn? Ảnh hưởng của Marx vẫn còn đây. Và các “đồng chí” duy vật – hơn ai hết, không bao giờ muốn rằng Marx không còn là Marx nữa. Vậy bản ngã của Marx là một thứ gì bất biến. Marx 1 tháng, Marx 10 tuổi, Marx sinh viên, Marx triết gia, luôn luôn vẫn là Marx đó.

Nếu căn cứ vào luật biến chuyển mà bảo rằng bản ngã cũng biến đổi: cái tôi ngày trước không phải là cái tôi hôm nay, thì xin hỏi các nhà duy vật Nga-sô và Hung-Gia-Lợi, các cán-bộ Cộng-sản thành tín như Kadar, đã suy luận thế nào khi họ nhốt những thiếu niên 12 tuổi từ năm 1956 – là năm xảy ra cuộc khởi nghĩa Budapest – để đợi cho những thiếu niên này đến tuổi thành nhân mà đem ra xử? Bản ngã những thiếu niên lúc 21 tuổi đâu có chịu trách nhiệm vì những lỗi lầm (nếu có) của họ lúc 12 tuổi đâu? Nếu thiếu niên đó đến lúc 21 tuổi không còn là họ thì tại sao lại kết án họ?

Về định-luật vạn vật tương quan: Không ai chối rằng mọi sự vật trên đời đều ảnh-hưởng mật thiết lẫn nhau. Ý nghĩ ảnh-hưởng đến hành động, hành động lại ảnh-hưởng đến Ý nghĩ; cảm tình ảnh-hưởng lý trí, lý trí lại ảnh-hưởng cảm tình; sinh-lý ảnh-hưởng tâm lý, tâm lý lại ảnh-hưởng sinh lý; xã-hội ảnh-hưởng đến cá nhân, cá nhân cũng ảnh-hưởng đến xã-hội v.v.. Vì vậy xét một sự việc, một vấn đề cùng với những sự việc chung quanh, những vấn đề liên hệ là một thái-độ khôn ngoan đứng đắn có khoa-học. Tuy-nhiên, nếu dựa vào đó để bảo rằng con người bởi khỉ mà ra và do đó cũng chỉ là một con vật tiến bộ hơn con khỉ thì quả là đã đi quá phạm vi khoa-học cho phép. Nhất là nếu lại quả quyết rằng các sinh vật hạ đẳng, như loài vi khuẩn đơn bào, đã biến hóa từ khoáng chất thì càng liều-lĩnh hơn. Vì các nhà bác học thời danh về sinh vật học và cổ sinh vật học – như Pasteur, Le Comte de Nouy – đều quả quyết rằng chưa có cuộc thí-nghiệm đứng đắn nào chứng-tỏ một sinh vật có thể phát sinh mà không cần mầm sống.

Mà hãy giả sử trong tương lai những cuộc thí-nghiệm có đem đến kết quả tích cực chăng nữa thì đâu có thể vì đó mà chối bỏ yếu-tố tinh thần, linh thiêng là yếu-tố làm cho con người vượt trên muôn vật, làm ch
muôn vật và có thể càng ngày càng tiến-hóa mãi để vươn lên toàn thiện, toàn chân, toàn mỹ?

Định luật mâu-thuẫn cũng chỉ có một giá trị tương đối.

Theo duy-vật biện-chứng-pháp thì mâu-thuẫn là nguyên nhân độc nhất của sự tiến-hóa. Vì có mâu-thuẫn nên mới có tiến-hóa và sự vật sau sinh ra là do mâu-thuẫn của sự vật trước, và khi sinh ra sẽ tiêu diệt sự vật trước. Marx đã lấy xã-hội tư-bản làm ví dụ. Khi xã-hội tư-bản tới chỗ tuyệt đỉnh của nó là tư-bản đế quốc thì lập tức sẽ bùng nổ cuộc cách-mạng vô-sản. Vì vô-sản là đối nghịch với tư-bản, khi chế-độ vô-sản chuyên-chính thành-lập thì chế-độ tư-bản tiêu tan.

Đành rằng mâu-thuẫn nhiều khi là nguyên nhân tiến-hóa. Nhưng mâu-thuẫn cũng là nguyên nhân thoái hóa nữa. Đàng khác sự tiến-hóa có thể thực-hiện được mà không can tới mâu-thuẫn.

Hãy lấy ví dụ một nước luôn luôn có sự rối loạn do hai phe kình chống nhau: trước khi có một phe thắng thì quốc-dân đã bị khổ sở, tài nguyên hao hụt, nhân tài chết dần chết mòn qua các trận tương tranh. Trong tình trạng suy yếu ấy, nếu có một nước mạnh hơn xâm-lăng thì hỏi còn gì là tổ-quốc? Vậy mâu-thuẫn nội bộ đâu phải lúc nào cũng là nguyên nhân tiến-hóa? Trong phạm vi rộng lớn hơn là nhân loại cũng vậy: sự mâu-thuẫn giữa một lớp người mà Cộng-sản gọi là tư-bản với một lớp người vô sản, nó làm suy yếu nhân loại với các thứ vũ khí tối tân ngày nay, nếu không tìm ra được một phương thức hòa giải thì sự “mâu-thuẫn tới độ chín muồi” sẽ tiêu diệt toàn thể nhân loại chứ không còn có thể là nguyên nhân tiến-hóa nữa. Hơn nữa mâu-thuẫn giữa hai lớp người nói trên, như lịch-sử đã chứng-minh, không phải luôn luôn được giải quyết bằng sự đắc thắng của “giai-cấp” vô sản. Bởi vì các phương-pháp xã-hội khác hơn phương-pháp Cộng-sản đã giải quyết bằng những cải hóa, dung hòa quyền lợi hai bên khiến các chế-độ Xã-hội như ở Hoa-kỳ, ở Anh và nhiều nước Tây Âu đã tấn tới hơn chế-độ mệnh danh là xã-hội chủ-nghĩa Đông Âu, Trung-cộng hay Bắc Việt.

Một điều nữa cần nhấn mạnh là hình thức giải quyết mâu-thuẫn xã-hội và chính-trị do Lénine áp-dụng ở Nga-sô với cuộc đảo chính tháng 10-1917 là một bằng chứng cụ thể nhất về sự sai lầm của Marx. Vì Nga-sô hồi ấy đâu có phải là một nước tư-bản chủ-nghĩa đến tột độ, trái lại là một nước đa số theo nông nghìệp, vậy mà “cách-mạng vô sản” (sic) cũng thành-công?

Cũng theo mâu-thuẫn của duy-vật biện-chứng-pháp thì mỗi sự vật, mỗi hiện-tượng, mỗi chế-độ chính-trị hay xã-hội khi nảy sinh đã chứa sẳn cái mầm mâu-thuẫn diệt nó để biến hóa thành cái đối nghịch với nó. Nếu luật này đúng thì chính chế-độ cộng-sản khi thành hình cũng sẽ chứa sẵn cái mầm tiêu diệt nó và cố nhiên phải có một chế-độ khác tiếp theo. Chế-độ đó là chế-độ nào? Marx cũng như các nhà duy-vật biện-chứng-pháp đều không dám nói tới.

Định luật cuối cùng “lượng biến chất biến” hay luật đột biến bằng cách nhảy vọt cũng chứa đựng những sai lầm thô kệch về phương diện khoa-học cũng như lịch-sử, mặc dầu các người duy vật thường tự phụ là mình có một nhận xét, một thái-độ khoa-học, rằng hệ thống tư tưởng của Marx có giá trị khoa-học.

Trước hết để chứng-minh, Marx đã lấy ví dụ khoa-học là ví dụ nước biến thành hơi nước. Mới nghe ta tưởng đúng. Vì nước và hơi nước là hai chất bề ngoài khác nhau. Nhưng trong thực chất xét về cấu tạo hóa-học ta thấy nước hay hơi nước vẫn có một tính chất duy nhất là hai phân lượng Hydro với một phân lượng Oxy (H2O). Vậy khi nước sôi chỉ có thể tích tăng chứ tính chất căn-bản sự vật vẫn y nguyên.

Chứng lý lịch-sử cũng sai nốt. Thoạt nhìn lịch-sử một cách tóm tắt, giản lược, xem ra Marx có lý. Nhưng xét cặn-kẽ các biến-cố lịch-sử thì thấy: các chế-độ chính-trị hay xã-hội không nối tiếp nhau một cách máy móc. Chẳng hạn xét trên toàn thể thế-giới, trong lúc ở địa-phương này thi-hành chế-độ tư-bản thì ở địa-phương khác còn đương thịnh hành chế-độ bộ lạc; sau chế-độ “dân-chủ tư sản” không phải luôn luôn là chế-độ “dân-chủ nhân-dân”. Chế-độ tư-bản mà Marx chứng kiến tại Âu-châu vào trung tuần thế kỷ 19 và Marx đã tiên-đoán rằng sẽ kết liễu bằng một cuộc cách-mạng dẫn tới xã-hội chủ-nghĩa, thực ra đã không tiến tới tối cao độ của nó để kết liễu bằng một cuộc cách-mạng mà đã được sửa đổi dần dần để thành một chế-độ Xã-hội quân bình, trong đó chủ thợ có thể thoả hiệp, tương trợ, tương thân.

Và nói ở đâu xa? Ngay sự thay đổi chế-độ ở Nga-sô năm 1917 là một cải chính đau đớn của lý thuyết Mác-xít về vấn đề này.

March 26, 2008 Posted by | Uncategorized | 3 Comments

Chuyện Nội Bộ???? !!!

VOA:

Việt Nam, Kampuchea, Bangladesh ủng hộ hành động của Trung Quốc ở Tây Tạng

21/03/2008

Chinese paramilitary police's field kitchen in Hutiaoxia, or Tiger Leaping Gorge, southeast of Zhongdian, 20 Mar 2008
Trung Quốc củng cố lực lượng an ninh tại các khu vực đông dân Tây Tạng

Việt Nam, Kampuchea, và Bangladesh ủng hộ các biện pháp nhằm ổn định tình hình tại Tây Tạng của Trung Quốc.

Tân Hoa Xã mới đây đưa tin rằng các quan chức cấp cao của chính phủ Việt Nam, Kampuchea, và Bangladesh đã lên tiếng ủng hộ các biện pháp mà nhà cầm quyền Trung Quốc thực hiện để ổn định tình hình tại Tây Tạng.

Cũng theo Tân Hoa Xã, trong một cuộc họp mới đây với Đại Sứ Trung Quốc tại Việt Nam, Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao Việt Nam, ông Vũ Dũng đã nói rằng: ‘Việt Nam hoàn toàn ủng hộ các biện pháp mà chính phủ Trung Quốc áp dụng để ổn định tình hình tại Tây Tạng’. Quan chức Bộ Ngoại Giao Việt Nam nói thêm rằng Tây Tạng thuần túy là một vấn đề nội bộ của Trung Quốc.

Tân Hoa Xã trích lời một quan chức ngoại giao hàng đầu của Kampuchea nói rằng những xáo trộn xảy ra tại thủ đô Lhasa của Tây Tạng trong những ngày qua là âm mưu của một nhóm nhỏ người với những động cơ không rõ ràng.

Quan chức ngoại giao Kampuchea nói rằng: “Các cuộc biểu tình ở Lhasa hoàn toàn không phải là ôn hòa, mà là bạo động nghiêm trọng.”

Còn tại Bangladesh, Tân Hoa Xã cho hay người phát ngôn của Bộ Ngoại Giao nước này mới đây đã phổ biến một tuyên bố nói rằng: “Bangladesh đoàn kết với Trung Quốc trong vấn đề Tây Tạng, và tất cả các vấn đề liên quan đến Tây Tạng và vấn đề nội bộ của Trung Quốc.”

Tuyên bố này nói thêm rằng Bangladesh chúc Thế Vận Hội Bắc Kinh thành công vào không muốn thấy đại hội thể thao này bị ‘chính trị hóa’ bởi bất cứ một tổ chức nào.

——————

Chuyện nội bộ?

Hồng Đức

Tôi mơ thấy…

Ông hàng xóm nhà tôi đánh con. Còn tôi thì đang loay hoay với cái máy vi tính của thằng bạn đưa sửa từ tuần trước. Ồn quá. Mà làm gì được. Con ổng ổng đánh, can chi đến mình.

Chả hiểu sao tôi lại thấy mình đang ở trong nhà ông hàng xóm. Lúc này ông ta đã phát điên, tay lăm lăm con dao bầu, còn thằng con thì đang chạy quanh, mặt xanh như tàu lá nhòe nhọet nước mắt, hớt hơ hớt hải cầu cứu, “Chú! Chú! Cứu cháu.” Tôi chưa muốn làm gì. Mọi ngày ông hàng xóm này rất nể tôi, gọi tôi bằng “thầy” đàng hoàng, mà ổng thì yếu ớt gầy tong, chả bì với cái thân xác 80 kí lô cao 1 mét 8 của tôi. Mà sao tôi vẫn chưa làm gì nhỉ. “Mày đứng lại không tao chém bể đầu mày bây giờ!” Thằng nhỏ vẫn chạy quanh. Bỗng con dao bay khỏi tay ông ta và tôi thấy rõ ràng cái mặt đầm đìa máu của thằng nhỏ. Mình không được xen vào chuyện nội bộ nhà người ta. Mà sao tôi cứ đờ ra như thế. Rồi tôi chỉ thấy toàn màu đỏ. Tôi nghẹt thở.

Và tôi tỉnh dậy. Vợ tôi vừa bật ngọn đèn giữa trần phòng. Ánh sáng chói lòa đập thẳng vào mắt tôi. Tim tôi đập thình thịch và mồ hôi đầy mình.

Có đúng là chuyện nội bộ nhà người ta thì mình không được phép xen vào?n

Vista, 08/12/2007

March 22, 2008 Posted by | Uncategorized | 10 Comments

Ủng Hộ Nhân Quyền cho Tây Tạng

Một cách thiết thực để nói lên lập trường của mình về sinh mạng con người, điển hình là sinh mạng người dân và tu sĩ Tây Tạng. Một chữ ký của bạn và hơn một mạng người có thể được cứu.

http://www.avaaz.org/en/tibet_end_the_violence/

Hãy đưa tay ra, và người khác sẽ đưa tay ra với bạn.

March 21, 2008 Posted by | Uncategorized | 1 Comment

Lật lại báo cũ

Tại sao cần nói chuyện về Hồ Chí Minh. Lật lại một trang báo năm 2001 để suy ngẫm về những suy nghĩ của tác giả về huyền thoại HCM và lý do cần phải trả nhân vật này về với giá trị đích thực của nó. (Báo cũng quên mà tên tác giả cũng… quên. Mục “Lật lại báo cũ” chân thành cáo lỗi.)

Tôi nghĩ lẩm cẩm như thế này: Ngoài những người đã biết rõ ông Hồ, có kinh nghiệm nước mắt và xương máu với ông ta và cái đảng của ông ta, tôi không dám nói. Còn đại đa số những người –VN cũng như ngoại quốc, nhất là ngoại quốc– đã từng tôn vinh ông Hồ, coi ông ta như một người yêu nước, một anh hùng dân tộc, một vĩ nhân là vì họ không biết rõ về ông, không biết rõ về những bí ẩn đàng sau cuộc chiến VN. Và sở dĩ họ không biết rõ được hai vấn đề đó là vì họ không đem chúng vào bối cảnh đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác-xít, lấy “bạo lực cách mạng” làm phương tiện, lấy “chuyên chính vô sản” trên toàn thế giới làm cứu cánh. Đàng khác họ cũng không theo rõi trong thực tế những chiến pháp, chiến lược sách lược đấu tranh “cách mạng” do những chiến lược gia đầu sỏ là Lê-nin, Stalin và Mao Trạch Đông chiếu theo những giáo điều Mác-xít mà đề ra. Những chiến lược chiến thuật quân sự, chiến lược sách lược chính trị này nó thiên biến vạn hóa là nhờ các tác giả của nó đã vận dụng lề lối suy luận của duy vật biện chứng là một lối suy luận linh hoạt không ngừng biến đổi.

Vì suy luận như thế nên tôi đã tự đề ra cho mình một dàn bài tổng quát hết sức tóm lược để nghiên cứu cách đánh đổ huyền thoại Hồ Chí Minh như sau:

Tác phẩm sẽ gồm có 5 phần: Lý thuyết, Chiến lược sách lược, lịch sử chiến tranh VN, lịch sử đảng c.s.VN và tiểu sử của ông Hồ Chí Minh.

1. Về phần lý thuyết, ôn lại một cách hết sức tóm tắt những nét đại cương về duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của Mác.

a) Về thuyết duy vật biện chứng: Tóm tắt 4 định luật về tính tương đối của sự vật, mầm mâu thuẫn trong các sự vật, tính biến đổi không ngừng của sự vật và định luật lượng biến chất biến… để nắm được cách suy luận của các cán bộ cao cấp cộng sản là những người đã được học kỹ về thuyết Mác-xít và duy vật biện chứng pháp. Biện chứng pháp có cái ưu điểm là rất linh động biến hóa. Nhưng khi Mác đã xa rời ông thầy của mình là Hégel để thêm vào vế “duy vật” thì nó lại trở thành tai hại. Trước hết vì nó không chấp nhận cái tuyệt đối. Cho nên chính nó phủ nhận nó: đã không có gì tuyệt đối thì ngay cái định luật “không có gì tuyệt đối” cũng không tuyệt đối đúng. Hơn nữa định luật mọi sự đều thay đổi, đi kèm với định luật trên, làm cho những người Mác-xít trở thành tiền hậu bất nhất, lá mặt lá trái; bạn đấy rồi thù cũng đấy; nói một đàng làm một nẻo; không tôn trọng những điều ký kết, hứa hẹn… Tóm lại cứu cánh biện minh cho phương tiện. Vì lối suy nghĩ, biện luận của họ thay đổi bất thường như vậy cho nên sách lược của cộng sản rất khó dò. Chính vì Hồ Chí Minh cũng như các cán bộ cao cấp c.s. một khi đã thấm nhuần tư tưởng duy vật biện chứng đều suy luận và hành động như vậy cho nên họ mới có tài đóng kịch, không băn khoăn thắc mắc gì về các nguyên tắc đạo lý, khiến người ngoài, với lề lối suy luận thông thường không thể nào hiểu biết tường tận được, do đó thường thụ động tiêu cực, bị cộng sản đánh trong bất ngờ.

b) Về duy vật sử quan: Ôn lại những nét đại cương về thuyết tiến hóa theo vũ trụ quan Mác-xít và lịch sử loài người theo 5 thời kỳ, với 5 chế độ: cộng sản nguyên thủy, nô lệ, phong kiến, tư bản rồi cuối cùng cộng sản để hiểu rõ bản chất của cuộc đấu tranh giai cấp: mục tiêu tối hậu của nó là tiêu diệt mọi giai cấp, nhất là giai cấp tư sản, để cuối cùng đem giai cấp vô sản lên nắm quyền chuyên chính trên toàn thế giới. Khi giai cấp vô sản đã làm chủ thế giới thì đó sẽ là thiên đàng trần gian. Ngày nay ai cũng thấy đó chỉ là ảo tưởng, phát xuất từ những phân tích hời hợt thiếu khoa học. Nhưng trước khi Đông Âu và Liên Xô sụp đổ thì nhiều người còn “hy vọng” những tiên đoán của Mác có thể sẽ thành sự thực. Trưng dẫn những văn bản chính thức, những lời tuyên bố của các nhà lý thuyết và các lãnh tụ cộng sản liên quan đến quyết tâm thực hiện cho bằng được quyền chuyên chính vô sản.

c) Nghiên cứu những biến cố chính trị, những hành động của các đảng cộng sản trên thế giới, đặc biệt là tại VN để hỗ trợ cho những lập luận về lý thuyết nói trên để chứng minh rằng chính quyền là mục tiêu chính và tối hậu của cộng sản, chứ không phải độc lập cho tổ quốc hay tự do cho nhân dân. Chứng minh rằng cộng sản luôn luôn dùng mọi phương tiện, bất cứ nó phát xuất từ đâu, phần lớn là bạo lực, để đạt mục tiêu. Vì bản chất của cái gọi là cách mạng vô sản là cách mạng bạo lực. Cộng sản coi bản chất của cách mạng là bạo lực. Và chính quyền mà họ cần đạt được bó buộc phải phát xuất từ họng súng. Những cuộc thương thuyết, hòa đàm… chỉ là kế hoãn binh hoặc trá hàng. Phần lớn cùng với thương thuyết là chuẩn bị chiến tranh, và hòa đàm trong khi tung ra những trận đánh lớn; vừa đàm vừa đánh. Trưng dẫn sự kiện lịch sử để chứng minh.

2. Về phần chiến lược, sách lược đấu tranh: Sau khi đã chứng minh bằng lý thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử rằng mục tiêu tối hậu và tối cao của cộng sản là bá chủ thế giới, nắm quyền chuyên chính, ta sẽ dễ dàng dùng chính những tác phẩm về chiến tranh, về c
ch mạng, về các phương pháp đấu tranh… của các lãnh tụ cộng sản đặc biệt là cuốn “Những nguyên lý của chủ nghĩa Lê-nin” do Stalin biên soạn, và “cương lĩnh về chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa thuộc địa” của Lê-nin, để chứng minh rằng cái gọi là chủ nghĩa quốc gia, dân tộc, lòng yêu nước của các người cộng sản chỉ là sách lược giai đoạn, chứ không phải là mục tiêu tối hậu và tối cao của cộng sản. Những sự kiện lịch sử tại VN và các nước cộng sản, nhất là Trung Cộng sẽ là những bằng chứng cụ thể thêm vào các chứng lý về lý thuyết chiến tranh, chiến lược của những Lê-nin, Stalin, Mao Trạch Đông.

Dẫn chứng từ lịch sử đảng csVN và chiến tranh VN để thấy rõ hình thức tổ chức quần chúng với vỏ bọc mặt trận (từ mặt trận dân chủ, mặt trận thống nhất dân tộc, đến mặt trận Việt Minh, Liên Việt rồi mặt trận Tổ Quốc v.v… nhất là Mặt trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam) chỉ là một hình thức sách lược đấu tranh để loại bỏ mọi thành phần chống đối, hay có hành động độc lập, hầu dành độc quyền lãnh đạo, rồi toàn quyền thống trị nhân dân.

3. Về lịch sử cuộc chiến tranh VN: Đi từ những tổ chức quốc gia chống Pháp trước khi đảng cộng sản ra đời từ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, đến Nguyễn Thái Học.. nhất là những tổ chức chống Pháp “lánh nạn” hoạt động tại miền Nam Trung Quốc, trong thời gian Hồ Chí Minh cũng hoạt động và bị bắt rồi được thả ở đây… Nhưng đặc biệt chú trọng vào thời gian sau thế chiến II cho đến 30 tháng tư năm 1975. Cuộc chiến tranh giữa VM và các đảng phái quốc gia, kể cả với nhóm Tờ Rốt Kít, các giáo phái miền Nam. Sự kiện Việt Minh do c.s. lãnh đạo đã cùng với Pháp tiêu diệt các đảng VNQDĐ, VNCMĐM Hội, Đại Việt để bảo vệ cái gọi là “thỏa ước mồng 6 tháng 3”. Cuộc chiến giữa VM và quân đội Pháp, giữa VM và chính phủ Bảo Đại. Trận Điện Biên Phủ. Cuộc chiến tranh khuynh đảo, giành dân cướp đất, ám sát, bắt cóc, du kích vân vân thời Đệ I CH. Và sau cùng là cuộc chiến đẫm máu giữa cộng quân Bắc Việt và Đệ II CH và Đồng Minh. Phân tách những trận đánh lớn và phương pháp tác chiến trong mỗi thời kỳ để đi đến kết luận là cs chiến đấu vì mục tiêu tối hậu là nắm lấy quyền bính tại một quốc gia để giúp Liên Xô (cầm đầu Quốc Tế 3) đánh bại phe tư bản trên toàn thế giới… Phân tích các hiệp ước, hiệp định, thỏa ước trong các thời kỳ này để thấy dã tâm cs tiếp tục đẩy toàn dân vào cuộc tàn sát một cách không cần thiết, nếu nói là để dành độc lập, vì trong các thời gian này nhiều lần VN đã có tự chủ, độc lập, mặc dù nền độc lập chưa hoàn toàn và được cụ thể hóa, do vc phá hoại.

Chúng ta thường nghe nói cộng sản cướp công kháng chiến. Chẳng những phía cộng hoàn toàn bác bỏ mà các sử gia quốc tế cũng cho đó là vu khống. Vì vậy phải chứng minh. Nhiều sách báo đã từng nói Hồ Chí Minh cùng với Lâm Đức Thụ bán đứng Phan Bội Châu. Nhưng cũng nhiều tác giả Mỹ cho là không có bằng chứng. Phải tìm ra bằng chứng. Và biết bao chuyện khác liên quan đến việc Hồ Chí Minh và đồng đảng tàn sát các người quốc gia, kể cả những lãnh tụ tên tuổi như Lý Đông A, Trương Tử Anh, Huỳnh Phú Sổ, và một lô đồng chí của họ, không kể phe Đệ Tứ Tờ Rốt Kít. Hãy tìm tài liệu, nhân chứng để chứng minh những việc đó để đi đến kết luận rằng mục đích của Hồ Chí Minh và đồng đảng là chính quyền, độc quyền cai trị, chứ không phải vì chủ nghĩa dân tộc, vì lòng yêu nước.

Cuộc chiến đã vô cùng tàn bạo, theo đúng chủ trương bạo động cách mạng. Nhắc lại một số trận lớn trong đó chiến thuật biển người được xử dụng không dè dặt. Nhắc lại những hiệp ước Vinh Hạ Long 1948 và hiệp ước Elysee 1949 để chứng minh Hồ Chí Minh và đồng đảng chỉ nhắm cầm quyền độc quyền, cho nên khi đã có độc lập trên pháp lý được thế giới công nhận rồi, họ vẫn quyết chiến với phe quốc gia để cuối cùng dành chính quyền trên toàn quốc, lại được tiếng là có công thống nhất tổ quốc. Cần phân tách kỹ và so sánh giữa các hiệp ước nói trên với thỏa ước mà cs ký vơi Pháp ngày 6-3-46. Nhiều nhà sử học cho rằng hiệp ước Elysee 49 chỉ có trên giấy tờ, quyền hành vẫn nằm trong tay Pháp. Cần tìm bằng chứng lịch sử và pháp lý để đánh đổ lập luận này.

Hãy chứng minh rằng trong rất nhiều trận lớn nhỏ, cs Bắc Việt đã đẩy đàn em là MTDTGPMN ra đỡ đạn, để gián tiếp tiêu diệt những người còn nặng lòng với chủ nghĩa dân tộc, chưa dứt khoát đi theo chủ nghĩa quốc tế vô sản. Cũng như trong thời gian đầu khi cuộc chiến bắt đầu kể từ tháng 12 năm 1946 đến 1950, Cộng quân đã tránh né đụng độ với đối phương, mà thường đẩy Nhân Dân Tự Vệ ra làm bia đỡ đạn.

Nhiều người đã nói trong những trận kịch chiến cs đã xích binh lính của họ vào xe tăng để không thể bỏ chạy khi bị tấn công nặng, chứng tỏ con người đối với cộng sản chỉ là những bánh xe, con ốc. Cần có nhân chứng và tài liệu xác thực, thì mới có tính thuyết phục.

Đặt cuộc chiến tranh VN vào khuôn khổ và bối cảnh cuộc đấu tranh giai cấp của thuyết Mác-xít, và mục tiêu chuyên chính vô sản, nghĩa là mục đích cuối cùng của cuộc chiến tranh, thì thấy ngay tính chất tàn bạo, không khoan nhượng, bất chấp mọi thủ đoạn gian xảo, giả dối, lừa bịp của cs. Nhiều nhà sử học Tây phương cũng có nói đến chiến tranh cách mạng của VC. Nhưng họ không hiểu rằng cách mạng của c.s. là cách mạng giai cấp bằng bạo lực, chứ không phải cách mạng dân tộc, hay cách mạng xã hội có thể không cần tới bạo lực. Có đặt vào khuôn khổ và bối cảnh đó thì mới giải thích được tại sao VC lại tàn sát người quốc gia, tại sao khi người quốc gia đã tranh đấu ôn hòa để được
ộc lập (với hiệp ước Elysée) mà họ vẫn tiếp tục chiến đấu và gọi phe quốc gia là Việt gian, để hô hào quần chúng chống lại, nếu chính họ không công khai ra tay tàn sát. Và cũng mới hiểu được tại sao hay xảy ra những trận đẫm máu với chiến thuật biển người, và nhất là tại sao ngay sau khi toàn thắng họ bèn thực hiện những cuộc cải cách ruộng đất đẫm máu, cải tạo tư sản theo đúng chính sách đấu tranh giai cấp, mà không cần che giấu bộ mặt thật của họ.

Một số sử gia thường so sánh Hồ Chí Minh với Võ Nguyên Giáp rồi bảo VNG ương ngạnh, hiếu chiến, hiếu sát, còn Hồ Chí Minh thì ôn hòa, mềm dẻo, nhũn nhặn, dễ thương lượng, vì những sử gia đó không nắm được hai mặt khác nhau của một chiến lược đấu tranh thống nhất. Joseph Buttinger trong tác phẩm “VN A Dragon Embattled” 660 trang (trang 387) đã viết: “Nhiều nhà quan sát tin rằng chiến tranh bùng nổ là vì Hồ Chí Minh vào lúc quyết định, đã không điều khiển được những phần tử cực đoan đứng đàng sau Võ Nguyên Giáp”. Những người từng có kinh nghiệm với cộng sản, từng là nạn nhân cs thì thấy khác: Hai thái độ khác nhau đó phát xuất từ một tập thể, một đường lối thống nhất: kẻ đánh người xoa, bàn tay sắt bọc nhung, cấp trên đỗ lỗi cho cấp dưới. Cấp trên ra lệnh cho cấp dưới làm, nhưng có ai khiếu nại thì bảo tôi không biết, việc đó do cấp dưới làm trong hoàn cảnh chiến tranh, khó tránh. Ví dụ trong vụ c.s. giết Phạm Quỳnh và cha con Ngô Đình Khôi, đó cũng là câu trả lời của Hồ Chí Minh cho Ngô Đình Diệm khi bị ông này cật vấn: “Tại sao các ông giết anh tôi và cháu tôi?” để khước từ lời Hồ Chí Minh mời ông làm bộ trưởng nội vụ trong “Chính Phủ Kháng Chiến” hồi 1945. Hãy đưa ra những ví dụ khác tương tự, rất nhiều. Võ Nguyên Giáp không bao giờ dám qua mặt Hồ Chí Minh. Chính ông này đã nói với tướng Salan (theo Jean Lacouture) rằng những tay như Đồng, Chinh, Giáp là do ông ta tác tạo. “Bọn họ làm được quái gì?” Về sau, sau khi Đệ I CH. bị lật đổ, Bắc Việt ồ ạt đem quân vào nhắm đánh chiếm miền Nam khẩn cấp (Nghị Quyết 9 tháng 12, 1964) nhiều người cũng bảo lúc ấy Hồ Chí Minh chủ trương ôn hòa không muốn, nhưng bị Lê Đức Thọ và Lê Duẫn khống chế. Điều này cũng do óc tưởng tượng, hoặc bị lầm vì tài đóng kịch của Hồ Chí Minh. Lê Duẫn là người được Hồ Chí Minh chọn đưa từ một địa vị tầm thường lên làm tổng bí thư. Chính vì vậy mà khi Hồ chết rồi, bọn Lê Duẫn, Lê Đức Thọ mới chủ trương xây lăng để tôn thờ và nhớ ơn “Bác”.

4. Đọc lịch sử đảng cộng sản VN do chính họ viết để tìm ra những bằng chứng mà họ vô tình cung cấp để chứng minh sự lệ thuộc của họ vào Quốc Tế 3 (hoàn toàn do Liên Xô chi phối, điều khiển). Ví dụ 1: hình sao chụp bức thư của Quốc Tế 3 bằng Pháp ngữ gửi cho 3 đảng cộng sản (Đông Dương Cộng Sản Đảng, An Nam Cộng Sản Đảng và Đông Dương Cộng Sản Liên Đoàn) để thống nhất lại làm một. (Bức hình này có đăng trên cuốn “Bước Ngoặt Vĩ Đại Của Đảng CSVN” của Lưu Quý Kỳ xuất bản cuối thập niên 50. Nhưng sau này không tìm đâu ra. Có lẽ đã bị thu hồi? Ví dụ thứ hai: Chỉ ít lâu sau Liên Xô lại chỉ thị phải đổi lại là Đông Dương Cộng Sản Đảng, không được để VNCSĐ. Ví dụ thứ 3: Cũng Liên Xô chỉ thị phải lấy ngày 3-2-30 làm ngày đảng ra đời, không được lấy ngày 6-1-30. Một ví dụ nữa, trước khi họp đại hội đầu tiên ở Thượng Hải ngày 20 tháng 10 năm 1930, Trần Phú và Hồ Chí Minh đã phải liên lạc trước với Hilaire Noulens để nhận chỉ thị. Trong hội nghị này Hồ Chí Minh đã đại diện cho Quốc Tế 3 chủ tọa, và trong hội nghị Trần Phú đã được bầu làm tổng bí thư đầu tiên.

Và không biết bao nhiêu chỉ thị, huấn thị khác.

Rất nhiều nhà bất đồng chính kiến hay cựu cán bộ cộng sản phản tỉnh có thể cung cấp những tài liệu về lịch sử đảng cộng sản trái ngược với “chính sử” của chính cán bộ c.s. viết.

Ngoài ra có thể tìm ở văn khố của Liên Bang Nga, còn tồn trữ nhiều tại liệu mật của Liên Xô cũ đã được giải mật để trưng ra những bằng chứng về việc đảng c.s.VN chỉ là một chi bộ của c.s.quốc tế phục vụ quyền lợi Liên Xô.

5. Chịu khó đọc lại tiểu sử của ông Hồ. Ngoài những cuốn do các sử gia cộng sản, do đàn em như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, và chính ông ta viết về mình, dưới nhiều bút hiệu khác nhau, như Trần Dân Tiên, T.Lan… còn có rất nhiều tác giả Pháp, Mỹ, Anh và nhiều nước khác. Phải nhìn nhận, nhờ có cả một kế hoạch tuyên truyền sâu rộng, chẳng những trong nội bộ, trong nhân dân toàn quốc, mà còn trên cả thế giới nhờ bộ máy tuyên truyền vĩ đại của cả khối cộng, nên người ngoài, không am tường về những mánh lới tiểu xảo của cs không thấy được những cái bịa đặt, thêm thắt nhằm thần thánh hóa ông Hồ. Về phía các đảng phái quốc gia, và nhân dân trong nước, rất nhiều người thấy rõ những cái bịa đặt, tô điểm thêm thắt đó, nhưng lại thường chỉ nói không mà không biên soạn thành những tác phẩm đứng đắn có dẫn chứng, nhân chứng hẳn hoi, nên người ngoài không biết, hoặc không tin.

Đã từng có nhiều người nói đến sự bịa đặt rằng ông Hồ ra đi năm 1911 là để tìm đường cứu nước và trưng bằng chứng là lá thư ông ta gửi nhà cầm quyền Pháp xin được theo học tại trường thuộc địa có ghi rõ là “để phục vụ chính phủ”. Nhưng nếu chỉ viết vắn tắt như vậy thì không thuyết phục. Cần có bản sao chụp của lá thư đó, và phải giải thích khá dài dòng, đưa ra nhiều luận cứ thuận và nghịch thì mới có thể thuyết phục được những học giả quốc tế. Bởi vì c.s. có thể n
ói: Ông Hồ viết thư như thế để đạt mục đích, chứ thực tình ông không nghĩ thế. Nghĩa là ông muốn học để cứu nước, nhưng nếu nói thế thì làm sao nhà cầm quyền Pháp cho ông theo học… cho nên ông phải nói dối là để phục vụ chính phủ. Ta vẫn thường bảo ông là tổ sư nói dối mà. Nói dối để đạt mục đích cứu quốc và nuôi chí lớn thì đâu có tội.

Cũng nhiều người nói đến việc thân phụ ông Hồ bị cách chức vì lý do nghiện rượu đánh người trọng thương, rồi chết chỉ vài ngày sau đó, chứ không phải ông ta từ chức để chống thực dân, cũng không phải ông ta có hoạt động cách mạng cho nên Pháp sa thải ông… Vì vậy muốn thuyết phục người đọc có trình độ, cần trưng bằng chứng trên giấy trắng mục đen. Văn khố Pháp có thể cung cấp tài liệu.

Có nhiều người nói ông Hồ đã từng là điệp viên của quốc tế 3 có lãnh lương tháng và khi đi công tác có được cấp công tác phí đàng hoàng. Nếu có thể tiếp cận những tài liệu mật trong văn khố Liên Xô cũ, thì trưng bằng chứng không khó. Truyện ông Hồ có theo học trường Lao Động Đông Phương, thường được gọi là trường Stalin là có thật. Trường này dạy những gì? Có dạy tình báo gián điệp không? Có dạy chiến thuật khuynh đảo không? Có dạy quân sự không? Chắc là có. Nhưng cần trưng bằng chứng –ít ra là về mặt nổi– bằng những chương trình chắc chắn còn để lại trong văn khố Liên Bang Nga. Về mặt chìm thì có thể rất khó tìm, nếu không nói là không thể tìm được, vì sau một biến cố nào đó, chúng thường bị thủ tiêu để giữ bí mật. Khi đã chứng minh ông Hồ là gián điệp Liên Xô, được Liên Xô tuyển dụng, huấn luyện và cấp học bổng, rồi khi đi công tác cũng được Liên Xố cấp công tác phí, thì sẽ dễ chứng minh ông ta chiến đấu chống Pháp, chống Mỹ, nhất là chống VNCH, tàn sát các nhà lãnh đạo cách mạng VN, chỉ vì mục đích do Liên Xô đề ra, chứ không phải vì lòng yêu nước. Ông chỉ nói yêu nước, để đánh lừa nhân dân, dùng đó như một mánh lới đẩy nhân dân vào chỗ chết hàng triệu người không thương xót.

Đó chỉ là một vài ví dụ trong số không biết bao nhiêu sự việc có thể nêu lên và chứng minh.

Ngoài ra còn có nhiều sự việc, tuy không thể trưng được bằng chứng trên giấy trắng mực đen, nhưng nếu có nhiều chứng nhân quan trọng có uy tín và lời lẽ khả tín thì cũng có giá trị thuyết phục. Ví dụ chúng ta thường nghe nói thời ông Hồ vắng mặt 5 tháng ở bên Pháp để dự hội đàm Fontainebleau, đàn em của ông đã giết không biết bao nhiêu người thuộc các đảng quốc gia khác như VNQDĐ, Đại Việt, VNCMĐMH. Nếu những đảng viên cao cấp của các đảng này, như cựu đại sứ Bùi Diễm, thuộc đảng Đại Việt chẳng hạn, (trong cuốn “In The Jaws Of History”) thay vì chỉ nói chung chung, đã chịu khó nói chi tiết hơn một chút, nêu lên được một số tên tuổi bị giết trong trường hợp nào, hoàn cảnh nào, tại đâu, ngày nào vân, vân… thì sẽ có tính thuyết phục hơn. Vụ VM nhờ thực dân Pháp thanh toán các đảng đối lập, lấy cớ các đảng này phá hoại thỏa ước mồng 6 tháng 3 năm 1946, là chuyện có thật. Nhưng các nhà lãnh đạo còn sống sót của các đảng nạn nhân cần viết ra những chi tiết rõ rệt thì sẽ là những tài liệu giá trị để kết tội cs và đích danh Hồ Chí Minh không yêu nước mà chỉ yêu quyền lực… Chính nhà báo nổi tiếng Joseph Buttinger, thường được coi như thiên cộng, coi thường phe quốc gia, cũng đã tường thuật khá chi tiết về việc trên trong cuốn “VN: A Dragon Embattled” của ông. Trưng dẫn nhà báo thiên cộng này cũng là việc hay, nếu lại trưng dẫn thêm được một vài nguồn tin khác nữa tương tự, thì cũng có thể thay thế cho những chứng liệu hay chứng nhân mà ta không tìm được.

Đã từng có nhiều người viết về việc ông Hồ có nhiều (ít nhất nửa tá, tạm kể sơ qua mấy tên: Tăng Tuyết Minh, Nguyễn Thị Xuân, Nguyễn Thị Minh Khai, Đỗ Thị Lạc, Đặng Dĩnh Siêu, Marie Bière, Vera Vasilieva, Nguyễn Thị Phương Mai. Riêng bà này đã được hỏi ý nhưng vì điều kiện bà đưa ra không thể chấp nhận, nên không thành.) vợ hờ và tình nhân để hạ uy tín ông. Thực ra đối với dư luận Tây Phương, những chuyện này không quan trọng. Cứ nhìn vào trường hợp tổng thống Mitterand của Pháp, hay các tổng thống Kennedy, Clinton của Mỹ thì rõ. Cho nên điều quan trọng là phải nói chi tiết hơn để nêu lên hai điểm quan trọng đối với nhân dân VN là sự giả dối, cố tình bưng bít để đánh lừa nhân dân, là những người quen với truyền thống Á Đông, và sự độc ác bất nhân của ông Hồ trong cách cư xử với những người tình hay vợ hờ của ông. (Xin mở một dấu ngoặc để kể một câu chuyện khôi hài mà có thật. Chính William J. Duiker người viết về Hồ Chí Minh dài nhất (660 trang khổ lớn) trong tác phẩm tiểu sử Hồ Chí Minh ra cách đây chưa đến một năm đã thuật lại là khi đã gần xuống lỗ ông Hồ hãy còn khẩn khoản yêu cầu một lãnh tụ cộng sản tên “Tao Zhu” cung cấp cho mình một người bạn gái thật trẻ người Quảng Đông. Tao Zhu đã phải trình lại Chu Ân Lai, và Chu Ân Lai bảo cần bàn lại với bộ chính trị đảng csVN… Rồi chưa kịp giải quyết ra sao thì ông Hồ đã chết…)

Một điểm quan trọng về tiểu sử của ông Hồ cần nhấn mạnh là nên bình tĩnh nói sự thực và công bình. Có một số nhà báo và nhà văn phe quốc gia khi nói về ông Hồ thường không tiếc lời mạt sát nguyền rủa. Là vì họ quá phẫn nộ, mất bình tĩnh. Vì vậy người đọc bình tĩnh thường không tin, cho là bịa đặt, vu khống. Muốn khách quan và công bình thì phải nhìn nhận ông Hồ là người có chí, có tài về chính trị, nhờ được đào tạo rất kỹ về tổ chức cách mạng và phương pháp đấu tranh chính trị của cộng sản quốc tế, là tổ chức cho đến lúc ấy chưa có nước nào trên thế giới tự do có thể so sánh được. Nhưng bên cạnh cái tài đó là sự tàn ác, bất nhân, và gian xảo (do ảnh hưởng lý luận và thực hành của chủ nghĩa cộng sản, duy vật, vô thần) đưa ông ta và đảng cộng sản tới những tội ác không thể tha thứ là lạnh l
ng, vô cảm trước những cái chết của hàng triệu dân, kể cả những lãnh tụ các đảng phái quốc gia tên tuổi, chỉ vì mục tiêu cuối cùng là chiếm được chính quyền trong tay, hầu thực thi những chính sách hoàn toàn theo mẫu mực của cộng sản quốc tế, và nhằm phục vụ quyền lợi của Liên Xô và Trung Cộng.

Đối với cán bộ cộng sản, đừng chê họ ngu, dốt, răng đen mã tấu, mà phải nhìn họ với con mắt độ lượng, thương cảm. Người quốc gia dầu sao cũng đã thua trận, dù có tài trí, có hy sinh chiến đấu anh dũng… Cho nên đừng cười chê nhạo báng những cán bộ đi dép râu, đội nón cối, ngồi thì cho cả hai bàn chân lên ghế, có kẻ còn vo gạo, rửa rau trong bồn cầu xí vì thấy nước trong v.v… Họ thế đấy, nhưng họ đã thắng. Vì họ đơn sơ chất phác, cộng sản bảo gì cũng nghe. Và cộng sản thắng vì có một số đông người “ngu” để sai khiến như cái máy… Cái mà ta cần chứng minh là Hồ Chí Minh giả dối, bất nhân, tàn ác. Chứ không phải chứng minh ông ta ngu dốt. Đối với cán bộ của ông ta cũng vậy. Và điều quan trọng hơn cả là chứng minh ông Hồ và đảng cs VN đưa hàng triệu đồng bào vào chỗ chết không phải để đem lại tự do hạnh phúc cho nhân dân, mà chỉ vì chủ nghĩa Mác Lê không tưởng. Và chứng minh rằng cái gọi là cuộc “cách mạng” mà các nhà báo thiên cộng hay các sử gia thiếu sâu sắc gán cho ông Hồ và đồng đảng, nó hoàn toàn khác cuộc “cách mạng” mà người không cộng sản quan niệm. Nó không phải là cách mạng dân tộc, cũng không phải là cách mạng xã hội thông thường, mà là cách mạng bạo lực theo chủ trương đấu tranh giai cấp, có thể gọi nó là “cách mạng vô sản”. Nhưng trớ trêu là trong cuộc cách mạng vô sản đó, chỉ có người vô sản nai lưng ra chiến đấu, xả thân cho một số ít lãnh tụ (đa số thuộc thành phần tư sản, hay tiểu tư sản) hưởng thụ, chứ sau khi “cách mạng vô sản” thành công, số phận người vô sản lại hẩm hiu nhất.

Cái khó của chúng ta là phải tìm ra những tài liệu mới, bằng chứng mới có tính thuyết phục cao, để cải chính những sai lầm, thiên vị của nhiều, rất nhiều tác giả lớn ngay trong phe thế giới tự do đã viết về Hồ Chí Minh và đảng cộng sản Việt Nam, về cuộc chiến tranh Việt Nam. Những tác giả này đã bị lầm vì nhiều lý do, trong đó có mấy điểm sau đây:

1. Chế độ cộng sản Việt Nam là một chế độ đóng kín, mọi sự đều bị bưng bít một cách khéo léo, khó có gì có thể lọt ra ngoài mà không bị kiểm soát và bóp méo.

2. Tâm lý cán bộ cộng sản VN không giống những cán bộ cộng sản ở các nước Tây Phương, nhất là Pháp. Nó thường thâm hiểm hơn, khó lường.

3. Cũng giống như tất cả các nước cộng sản khác trên thế giới, các cán bộ lãnh đạo cộng đảng VN đều đã được huấn luyện nhuần nhuyễn về tuyên truyền tại Liên Xô. Lại được toàn khối cộng yểm trợ hết mình, vô điều kiện, (vì thắng lợi của cộng sản VN cũng là thắng lợi của cộng sản thế giới, và ngược lại). Với phương pháp tuyên truyền này kèm theo những kế hoạch quy mô có tầm vóc quốc tế cộng sản có thể nói trắng thành đen, đen thành trắng, mà đối phương rất khó phản bác.

4. Ngay từ đầu phe quốc gia đã thua kém phe cộng sản ở điểm tuyên truyền này, cho nên không nói cho thế giới bên ngoài thấy được những sự thực cần nói, vì thường bị khối lượng tuyền truyền vượt trội của cộng sản thắng thế lấn át đi. Cho nên sau khi cộng đảng VN, được hệ thống tuyên truyền vĩ đại của toàn khối cộng sản hỗ trợ đã để vào trong đầu nhân dân thế giới những ấn tượng sai lầm về con người Hồ Chí Minh, về cuộc chiến VN, thì chúng ta rất khó xóa nhòa những ấn tượng đã in sâu vào tâm trí nhân dân thế giới.

Tuy công việc là khó, nhưng không phải không thể làm, miễn sao nhận ra khuyết điểm trong dĩ vãng để sửa chữa và bù đắp lại trong tương lai.

Trước khi chấm dứt chúng tôi xin nêu ra đây vài câu của các từ điển lớn và những nhà văn, nhà báo tên tuổi trên thế giới đã ca ngợi Hồ Chí Minh, để chứng tỏ rằng cần bác bỏ những nhận định đó thì mới đánh đổ được huyền thoại Hồ Chí Minh, và chứng tỏ rằng đây là một việc phức tạp, khó khăn chứ không đơn giản, cần có một nỗ lực tập thể. Đồng thời cũng để bác bỏ luận điểm của một số người chủ quan cho rằng thần tượng Hồ Chí Minh đã sụp đổ rồi, cần gì phải nêu vấn đề đánh đổ thần tượng Hồ Chí Minh.

Trước hết là 2 cuốn tự điển Bách Khoa lớn nhất thế giới.

1. Tự Điển của Mỹ (tome 14, trang 253-254) ghi: “Hồ Chí Minh được kính trọng rộng rãi như một nhà ái quốc và một nhà giải phóng dân tộc.”

2. Cuốn của Anh (tome 5, trang 953-955) viết về Hồ Chí Minh kỹ và dài gấp 3 lần cuốn của Mỹ, luôn cho rằng Hồ Chí Minh lãnh đạo phong trào “quốc gia”, chủ nghĩa yêu nước. Chỉ nêu ra một câu đáng chú ý:

Như một nhà lãnh đạo phong trào quốc gia VN trong 3 thập kỷ, Hồ Chí Minh là một trong những người khởi xướng hàng đầu của phong trào chống thực dân của Á Châu sau thế chiến II và là một trong những lãnh tụ cộng sản có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20.

Nhìn vào những tác phẩm được các tự điển lớn này tham khảo để viết ra những lời trên thì thấy, ngoài các cây viết tên tu
ổi của Pháp và Mỹ như Jean Lacouture, David Halberstam, Sainteny, Charles Fenn, chỉ thấy có tài liệu của đảng cộng sản Việt Nam là 2 cuốn; “Our President Hồ Chí Minh” (1970) và “Uncle Ho” (1980), chứ không thấy có cuốn nào của các đảng Việt Cách, Việt Quốc, Đại Việt, Cần Lao, hay Dân Chủ !

May mà còn có một cuốn của một nhân vật cựu cộng sản ly khai là tiến sĩ Nguyễn Khắc Huyên. Nhưng tác phẩm của ông này, vì là luận án tiến sĩ tại Mỹ, nên lại cũng phải tham khảo những tác giả tương tự như 2 cuốn tự điển nói trên. Tuy tác giả có một số kinh nghiệm sống của bản thân, nhưng vì vẫn chưa đặt được cuộc chiến Việt Nam vào trong bối cảnh cuộc đấu tranh giai cấp của cộng sản thế giới, thành ra vẫn chưa vẽ nên được chân dung đích thực của Hồ Chí Minh.

3. Cuốn thứ 3 mà chúng tôi trưng dẫn ở đây là Tự Điển Chiến Tranh Việt Nam do James S. Olson chủ biên, trang 204 có ghi: “Hồ Chí Minh was the “Father of his country”.” (Ý nói Ông Hồ là Quốc Phụ Việt Nam, đúng như cán bộ cộng sản thường gọi ông ta là cha già dân tộc)

Và sau đây là mấy tác giả khác:

4. Joseph Buttinger, trong “Vietnam a Dragon Embattled” (volume I, trang 379) viết: “Hồ Chí Minh was the leader of a national revolution, and as such a national hero… (Hồ Chí Minh là lãnh tụ Cách Mạng Quốc gia, và do đó là anh hùng quốc gia” Trong cuốn “VN, The Unforgettable Tragedy” (trang 19) Buttinger lại bảo Hồ Chí Minh là một thiên tài về chính trị (the political genius), và (trang 26) “a better “Titoist” than Tito himself” (ý nói: người cs dân tộc kiểu Tito hơn cả chính Tito).

5. Lucien Bodard trong cuốn “Quicksank war- Prelude to Vietnam” (trang 15): “Hồ Chí Minh là Thần Thánh, là vị thần của các thành viên kháng chiến, là nhà ái quốc, là ANH HÙNG (viết hoa).

6. Jean Lacouture trong cuốn “Hồ Chí Minh A Political Biography” là cuốn nói về Hồ Chí Minh hay nhất, theo thiển kiến, và cũng được nhiều người trưng dẫn nhất, và cũng là cuốn đầy đủ nhất bằng ngoại ngữ, cho đến khi cuốn “Hồ Chí Minh” (660 trang) của Duiker mới ra, đã ca tụng Hồ Chí Minh là thiên tài về sách lược, có khả năng vô song về nói trước quần chúng bằng lời lẽ thẳng thắng, bình dị đơn sơ. (tr. 281): “

7. David Halberstam đã viết trong cuốn sách mỏng, tựa đề vẻn vẹn một chữ “HỒ” như sau: Hồ Chí Minh là khuôn mặt phi thường của vùng này – một phần là Gandhi, một phần là Lê-nin, tất cả là Việt Nam” (tr.12) Và: “Tito, Stalin, Khrutshchev, Mao Trạch Đông, tất cả đều có tật sùng bái cá nhân. Nhưng Hồ Chí Minh thì không… ” (tr. 16)

8. Đại tướng 3 sao Mỹ Phillip B. Davidson, trong cuốn “Vietnam At War” (1988), trang 795, đã hết lời ca tụng cộng sản VN. Ông khẳng định rằng họ thắng Mỹ là nhờ họ có một đại chiến lược cao siêu (They had a superior grand Strategy). Sau đó ông nói về đại chiến lược đó như sau: “Từ đầu tới cuối cuộc chiến cộng quân đã có một mục tiêu quốc gia duy nhất là nền độc lập và thống nhất của VN”.

9. William J. Duiker, cũng như Davidson, đã từng làm việc ở Saigon trước 75, đã viết trong cuốn “Ho Chi Minh”, một tác phẩm vĩ đại nhất về Hồ Chí Minh từ trước tới nay, gần 700 trang, đã viết những hàng cuối cùng trong phần kết luận về Hồ Chí Minh như sau: “… Ông Hồ đã chiếm được địa vị cao quý trong đền thờ vĩ nhân dành cho những anh hùng cách mạng đã tranh đấu mãnh liệt cho giới cùng khổ trên thế giới được có tiếng nói của mình.”

Xin lưu ý độc giả là 2 người Mỹ vừa nêu đều đã từng là những giới chức cao cấp của đồng minh Hoa Kỳ phục vụ tại Việt Nam trước 75. Cuốn của Davidson viết trước khi Đông Âu sụp đổ một năm. Còn cuốn của Duiker mới vừa ra cách đây chưa đầy một năm. Nói vậy đủ hiểu luận điệu của những người khẳng định rằng, sau vụ Đông Âu, dư luận thế giới đối với cộng đảng VN đã thay đổi hoàn toàn, không đứng vững. Dư luận đó có sẽ thay đổi thật hay không còn tùy ở thái độ đúng đắn, khiêm tốn, thận trọng của phe quốc gia, biết nhìn ra nguyên do thất trận để bù đắp, để tập trung khả năng trí tuệ vào việc bác bỏ những nhận định nêu trên, chứ không phải tự nhiên mà thành.

Chúng tôi có thể ghi thêm hàng chục câu tương tự của những tác giả mà chúng tôi được đọc, trong số hàng trăm người khác. Nhưng bấy nhiêu cũng tạm đủ để chúng ta suy ngẫm mà thận trọng trong khi phê bình chỉ trích để lật đổ một thần tượng đã do truyền thông thế giới góp phần tạo dựng nên theo sự xếp đặt xảo quyệt của cả một bộ máy tuyên truyền vĩ đại của toàn khối cộng sản thế giới. Ngay từ thập niên 50, bộ máy tuyên truyền này đã chi hàng chục tỷ Mỹ Kim hàng năm, trong khi thế giới tự do rất hà tiện đối với công tác tuyên truyền, mà chỉ gia tăng ngân sách quốc phòng.

Chúng tôi hy vọng rằng những ý kiến còn thiếu sót trình bày ở trên, nếu được các bậc thức giả để mắt tới mà bổ khuyết cho, sẽ có thể làm cơ sở để tạo nên một tác phẩm đủ tầm cỡ hầu phản bác những nhận xét của những sử gia thiên cộng về con người “yêu nước, anh hùng dân tộc” Hồ Chí Minh và về “công lao của cộng đảng” trong việc dành lại độc lập và thống nhất tổ quốc Việt Nam.n

Tháng 7 năm 2001.

March 20, 2008 Posted by | Uncategorized | 6 Comments

Entry for March 18, 2008

Hai triệu dân Tây-Tạng là những tín-đồ Phật giáo rất sùng đạo đã bị sống dưới chế-độ vô-thần của Trung-Cộng từ năm 1950. Cuộc chống đối âm-ỉ đã bộc-phát vào năm 1956. Trung-Cộng đã đàn-áp một cách vô cùng dã-man cuộc khởi-nghĩa này (một ủy-ban quốc-tế gồm các luật-gia tên tuổi của Tích-Lan, Miến-Điện, Thái-Lan, Ấn-Độ, Thụy Điển và Ghana đã điều-tra một cách tỷ mỷ và khách-quan), hầu hết các sư sãi bị giết hoặc bị bó buộc lấy vợ và làm trò cười cho dân-chúng; đàn bà bị đi dân công, trẻ nít bị bắt đưa sang Trung-Hoa lục-địa.

Sau 9 năm sống dưới gót sắt bạo-tàn, vào tháng 3 năm 1959, nhân-dân Tây-Tạng đã được chứng-kiến một sự sỉ-nhục đến cực điểm: Tướng Tân Kuan San, chính-trị-viên của quân-đội Trung-Cộng chiếm đóng Tây-Tạng đã gửi cho đức Đạt Lai Lạt Ma, vị Phật sống, lãnh-đạo tinh-thần nhân-dân và cầm đầu chính-phủ, một bức thư hỗn xược đòi vị Phật sống phải tới trình-diện ở tổng-hành-dinh quân-đội chiếm đóng mà không có hộ-tống. Đây là một tội phạm-thượng ghê gớm đối với tín-đồ xứ này và cũng là lời đe doạ hạ bệ đức Phật. Cho nên Ngài phải trốn sang Ấn-Độ cùng với 5 vạn tín-đồ.

Nhân-dân Ấn với sự tán thành và giúp đỡ của chính-phủ đã tổ-chức đón nhận và tiếp tế dân tỵ nạn Tây-Tạng.Đức Đạt-Lai Lạt-Ma đã được ông Nehru tiếp kiến khiến Trung-Cộng nghĩ rằng có một âm-mưu gì giữa vị Phật sống lưu-vong với nhà đương cuộc Ấn.

Ngày 14-4-1959 tại Madras, thủ-tướng Ấn đã tuyên-bố ủng-hộ lập trường đấu-tranh đòi tự-do của Tây-Tạng: “Tôi tưởng không thể có một giải pháp thực tiễn nào khác cho vấn-đề Tây Tạng ngoài giải pháp cho nhân-dân xứ này được tự trị.”

March 18, 2008 Posted by | Uncategorized | 5 Comments

Còn dị biệt thì còn đọc

ẢNH HƯỞNG TRUNG QUỐC & ĐỐI SÁCH NGOẠI GIAO CỦA VIỆT NAM

(tiếp kỳ trước)

Để giảm thiểu nguy cơ tranh chấp võ lực trong vùng biển Đông, chính phủ Nam Dương đã tổ chức những buổi thảo luận hàng năm về Trường Sa cho các nước trong vùng. Lần nào phái đoàn Việt Nam cũng bối rối khi bị chất vấn về văn kiện mà Phạm Văn Đồng ký ngày 14-9-1958 công nhận ranh giới lãnh hải của Trung Quốc (bao gồm cả Trường Sa và Hoàng Sa). Ngoài ra, Trung Quốc còn tố cáo là sách địa lý của Bắc Việt in năm 1972 có ghi vùng hải đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc Trung Quốc. Trung Quốc cũng nêu ra năm 1974, khi Trung Quốc chiếm Hoàng Sa chính phủ Việt Nam ở miền Bắc, một chính phủ luôn tự nhận là chính thống đại diện cả nước, đã không có một lời phản đối. Bài báo “Chủ quyền bất khả tranh cãi của Trung Quốc trên quần đảo Tây Sa Nam Sa” của bộ ngoại giao Trung Quốc trong số báo Beijing Review tháng 2-1980 ngoài việc công bố lá thư của Phạm Văn Đồng còn đăng thêm một luận cứ là vào tháng 6-1956, thứ trưởng ngoại giao của Việt Nam Ung Văn Khiêm có nói với Lý Kỳ Dân (Li Zhimin), tham vụ ngoại giao tòa đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội là “theo những tài liệu của Việt Nam, những đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) là thuộc Trung quốc”.

Vì Trường Sa và Hoàng Sa là những địa điểm quan trọng về kinh tế (những giếng dầu ngoài thềm lục địa đã đóng góp 1/3 xuất khẩu của Việt Nam) và an ninh quốc phòng (nếu Trung Quốc chiếm hết Hoàng Sa và Trường Sa, họ sẽ khống chế hết sườn phía đông của Việt Nam). Hơn nữa, đã mang tiếng trong lầm lỗi năm 1958, họ chỉ có thể che giấu những nhượng bộ về biên giới đất liền trong hiệp ước biên giới cuối năm 1999, nhưng sẽ không cách nào che giấu được nếu nhượng bộ về chủ quyền trên những hải đảo. Vì thế, những lãnh tụ CSVN kể từ sau Đỗ Mười và Lê Đức Anh đã cố gắng giữ những gì còn giữ được ở Trường Sa, và luôn chối bỏ các lời tuyên bố chính thức trước đây về Hoàng Sa và Trường Sa.

Để chứng minh chủ quyền Việt Nam trên hai vùng đảo đó, CSVN phải viện dẫn những hành động của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, một chính phủ mà họ vẫn gọi là “ngụy”, như công bố về chủ quyền tại hội nghị Hòa Bình Thế Giới ở San Francisco năm 1951 của ngoại trưởng Trần Văn Đỗ, sắc luật đặt hai quần đảo trong phạm vi quản lý hành chánh của tỉnh Quảng Nam và Phước Tuy của chính phủ Ngô Đình Diệm, sự hiện diện của binh lính Việt Nam tại các đảo… Chính là nhờ những hoạt động của Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975 mà hiện tại, trong khoảng hơn 200 đảo, cồn đất mỏm đá hay san hô trong vùng Trường Sa, Việt Nam đã giữ được gần 30 đảo tương đối lớn nhất. Văn kiện của chính phủ CSVN ngày 25-4-1988 đã nhờ Việt Nam Cộng Hòa bênh vực như sau: “… Chính quyền Sài Gòn đã tiếp quản hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa năm 1956 từ Pháp khi họ rút khỏi Đông Dương. Từ đó đến năm 1975, họ đã tổ chức hai quần đảo về mặt hành chính, tổ chức khảo sát và khai thác kinh tế…”[1]

Cũng trong văn kiện trên, CSVN công nhận là có lá thư của Phạm Văn Đồng nhưng biện minh “cần phải đặt các lời tuyên bố này đúng trong bối cảnh lịch sử của nó. Trong cuộc chiến đấu một mất một còm chống kẻ thù xâm lược có sức mạnh quân sự lớn hơn mình nhiều, Việt Nam tranh thủ được Trung Quốc gắn chặt với cuộc chiến đấu của Việt Nam càng nhiều bao nhiêu và ngăn chặn Mỹ sử dụng hai quần đảo cũng như vùng biển Đông chống Việt Nam thì càng tốt bấy nhiêu…”

Trong cuộc họp báo ngày 2-12-1992, ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm bào chữa với cùng một luận điệu: “lời tuyên bố ủng hộ công bố về chủ quyền của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa của những nhà lãnh đạo chủng tôi trước kia là cần thiết vì đã trực tiếp đóng góp vào công cuộc chiến đấu bảo vệ độc lập tự do của tổ quốc. Hơn nữa, nó nhằm ngăn cản đế quốc Mỹ dùng những hòn đảo đó làm căn cứ tấn công chúng tôi. Điều đó không liên quan gì đến những nền tảng pháp lý và lịch sử về chủ quyền của việt Nam trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.” Luận cứ này tuy thế cũng không ngây thơ như cách giải thích của báo Sài Gòn Giải Phóng tháng 5-1976, khi rạn nứt Việt – Hoa chưa bộc lộ “Trung Quốc vĩ đại đối với chúng ta không chỉ là người đồng chí mà còn là người thầy tín cẩn, đã cưu mang chúng ta nhiệt tình để chúng ta có được ngày hôm nay, thì chủ quyền Hoàng Sa thuộc Trung Quốc hay thuộc ta cũng vậy thôi…”

Cách lập luận của CSVN về Hoàng Sa và Trường Sa như vậy về căn bản cho thấy tương quan giữa quyền lợi của ý thức hệ và quyền lợi dân tộc. Những năm sau này, khi chủ thuyết cộng sản đã lộ ra những khuyết điểm và sai lầm, không còn có thể “bao gồm tất cả chân lý”, và không còn “bách chiến bách thắng”, nhưng vẫn còn ảnh hưởng đối với đa số đảng viên nhất là những đảng viên cao cấp điển hình là Lê Khả Phiêu.

Lê Khả Phiêu lên nắm chức tổng bí thư vào năm 1997, sau khi những đổi mới về kinh tế đã giúp cho đời sống nhân dân được cải thiện. Thành quả kinh tế này đã được thực hiện nhờ ở chính sách đa phương hóa ngoại giao, nhất là nhờ được gia nhập khối ASEAN và được Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận, thiết lập quan hệ ngoại giao. Nhưng những quan hệ ngoại giao đa phương đó đã làm những phần tử bảo thủ sợ là đã đi quá xa. Thứ nhất họ sợ khi nhân dân
càng giao tiếp với cộng đồng thế giới, nhân dân sẽ càng thấy chế độ chính trị lạc hậu của họ và họ cũng sợ mất lòng Trung Quốc.

Năm 1995, năm mà Việt Nam gia nhập ASEAN, để chứng tỏ uy thế chinh trị và quân sự, gián tiếp cảnh cáo Việt Nam là không thể dùng lá bài ASEAN để chống lại mình, Trung Quốc dùng hải quân chiếm đảo Mischief, rất gần với Phi Luật Tân và Phi Luật Tân vẫn coi như thuộc chủ quyền của họ. Phi Luật Tân, một nước rất yếu về quân sự, phản kháng dữ dội, kể cả ở ASEAN, nhưng Trung Quốc chỉ nhượng bộ là bằng lòng thương thuyết với Phi Luật Tân để “hợp tác song phương” khai thác kinh tế, nhưng chủ quyền của họ trên đảo đó là điều không cần bàn cãi. Năm sau trong dịp đại hội đảng lần thứ VIII, CSVN do áp lực của phe bảo thủ sợ mất lòng Trung Quốc, đã không đả động đến một sự kiện quan trọng về kinh tế và ngoại giao của Việt Nam là việc được gia nhập khối ASEAN trong bản dự thảo báo cáo chính trị. Chỉ sau khi những đại sứ của ASEAN ở Hà Nội biết được và phản đối, sự kiện đó mới được thêm vào một cách sơ sài trong báo cáo chính thức: “Việt Nam sẽ nỗ lực tăng cường mối quan hệ với những nước lân bang và những nước hội viên ASEAN.” Những nước lân bang ám chỉ Trung Quốc, Campuchia, Ai Lao nhưng nỗ lực này của Việt Nam đối với Ai Lao và Campuchia đã tương đối khó khăn hơn trước.

Tuy nhiên, sau xích mích với Phi Luật Tân năm 1995, thấy các nước ASEAN bắt dầu tỏ dấu e ngại về hành động ỷ mạnh hiếp đáp của mình đường lối đối ngoại của Trung Quốc với ASEAN bắt đầu mềm dẻo hơn. Hơn nữa, sau nhiều năm phát triển kinh tế nhanh chóng, Trung Quốc cần phải thay đổi để bắt đầu hành xử về ngoại giao với một đại quốc lâm thời nhằm có được uy tín của một nước lớn, không thể chèn ép những nước nhỏ lân bang một cách công khai lộ liễu. Sự lấn ép quá đáng có thể để cho những nước ASEAN, kể cả Việt Nam, xích lại gần hơn với Hoa Kỳ – nhất là Hoa Kỳ vừa bỏ cấm vận, thiết lập bang giao với Việt Nam.

Hơn nũa, sát bên cạnh Trung Quốc ở phía đông vẫn còn hai đối thủ mạnh của Trung Quốc là Đài Loan và Nhật Bản. Không kể Đài Loan là nước mà Trung Quốc coi là một tỉnh ly khai phản loạn, thái độ gây hấn thái quá của Trung Quốc có thể làm cho Nhật Bản từ bỏ chế độ giải trừ binh bị và canh tân quân lực. Với tiềm năng kinh tế khổng lồ, khả năng kỹ thuật khoa học tiên tiến dù không có Hoa Kỳ đứng sau, nếu họ muốn, Nhật Bản cũng dễ dàng trở nên một địch thủ đáng ngại của Trung Quốc. Nếu để xảy ra xung đột Trung Quốc cũng sẽ phải trả một giá rất đắt về quân sự cũng như kinh tế. Vì thế, đường lối đối ngoại của Trung Quốc trở nên thực dụng hơn, trong đó có một điểm quan trọng là “ổn định chu biên” với những nước láng giềng, biến những nước xung quanh thành một “biên giới mềm”. Trung Quốc biết là thời gian ở cùng phe với họ cho nên tại vùng biển Đông hiện tại, bề mặt, Trung Quốc chấp nhận tình trạng dằng co “nguyên trạng”, nhưng bên trong, như một đại biểu quốc hội của Việt Nam ông Dương Trung Quốc, e ngại, Trung Quốc vẫn đang âm thầm “gậm nhấm”, không những ở vùng biển Đông mà còn đang bành trướng thế lực ở hai quốc gia đồng minh cũ của Việt Nam là Campuchia và Lào. Trung Quốc đã giúp Campuchia xây quân cảng, lập khu kinh tế đặc biệt, khai phá rừng ở Mondulkin, khai thác hầm mỏ… Trong khi đó, mấy năm gần đây, Trung Quốc là nước viện trợ kinh tế và quân sự nhiều nhất cho Ai Lao. Với thời gian, những lãnh tụ già nua của cộng sản Lào chết đi, mối ràng buộc cá nhân giữa hai đảng sẽ phai nhạt dần và lớp lãnh tụ trẻ sẽ hướng về Trung Quốc, một nước có khả năng giúp đỡ họ nhiều hơn.

Nếu so về dân số, về khả năng kinh tế và quân sự, tất cả 10 nước ASEAN hợp lại (gồm 6 nước nguyên thủy sau này thêm vào Việt Nam, Campuchia, Lào và Miến Điện) vẫn còn thua xa Trung Quốc. Những nước ASEAN này về chính trị và mục tiêu đối ngoại lại không đồng nhất. Vì thế, trong tranh chấp ở biển Đông Trung Quốc không bao giờ muốn thương thuyết với cả khối ASEAN hay một nhóm nhiều nước. Họ chỉ muốn thương thuyết với từng nước riêng biệt. Chẳng hạn họ đã thành công khi Phi Luật Tân bằng lòng khai thác tài nguyên chung với Trung Quốc trên vùng biển Mischiefs. Việt Nam đã kịch liệt phản đối sự hợp tác này vì lập trường của Việt Nam là tất cả vùng hải đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều thuộc Việt Nam. Tuy nhiên, mấy năm sau, năm 2005, khi Phan Văn Khải đi Hoa Kỳ về, như để xoa dịu Trung Quốc, Việt Nam đã đồng ý ký chung vào bản thỏa ước giữa Trung Quốc và Phi Luật Tân này, gián tiếp công nhận Trung Quốc và Phi Luật Tân cũng có phần trong vùng biển.

Cùng lúc với chính sách “ổn định chu biên” của Trung Quốc, những nước ASEAN cũng không muốn có rắc rối với Trung Quốc. Đường lối đối phó của ASEAN là cho Trung Quốc có dịp cùng tham dự những hoạt động của ASEAN càng nhiều càng tốt để từ đó bớt sự nghi kỵ và tăng cơ hội thảo luận. Vì thế ngoài những hội nghị thường xuyên của ASEAN (có Trung Quốc làm quan sát viên), còn có những hội nghị hàng năm của ASEAN+3 (10 nước Asean và Trung Quốc, Nhật Bản, Đại Hàn), ASEAN Regional Forum (thảo luận về những vấn đề chính trị gồm ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản), CAFTA (vùng miễn thuế khóa gồm Trung Quốc và ASEAN), APEC (hợp tác kinh tế vành đai Thái Bình Dương, trong đó có cả Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Úc Châu, Chí Lợi, Peru, Nga...).... Kinh tế càng phát triển, để tăng cường uy tín đối với những nước trong vùng, tạo nên thế lưỡng cực trong vùng Đông A, đường lối đối ngoại của Trung Quốc ngày càng mềm dẻo hơn, càng có “đại quốc tâm thái” hơn. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế Á Châu năm 1997, khi Hoa Kỳ và Nhật Bản thụ động làm ngơ, Trung Quốc đã tỏ ra tích cực bằng cách cho Thái Lan và Nam Dương vay tiền, không hạ giá đồng quan để hàng hó
a của ASEAN trong lúc khó khăn có thể cạnh tranh với hàng hóa của Trung Quốc... Năm 2002, thi hành đường lối “ổn định chu biên” sau nhiều năm từ chối, Trung Quốc đã bằng lòng ký vào bản qui ước ứng xử (Code of Conduct) trong vùng biển Đông và ký luôn thỏa ước căn bản của ASEAN là thỏa ước thân hữu và hợp tác Bai, theo đó các nước cố gắng tự chế, tìm cách giải quyết mọi tranh chấp bằng những phương cách hòa bình, phát triển sự tin cậy lẫn nhau. Trong qui ước ứng xử (chỉ là những hứa hẹn, không bị bắt buộc phải tuân thủ), Trung Quốc chỉ muốn nói đến vùng biển Trường Sa nhưng Việt Nam lại muốn thêm vào vùng biển Hoàng Sa. Hai bên đã hòa giải bằng cách không nhắc tới một địa phận đặc biệt nào để bên nào cũng có thể suy diễn theo cách của họ.

Vì sự yếu thế của Việt Nam do hoàn cảnh ở gần và sự giao tiếp với đối tác duy nhất của Trung Quốc là Hoa Kỳ mới chỉ ở bước đầu, Trung Quốc vẫn tiếp tục dò dẫm để lấn ép Việt Nam trong những tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải, nhất là từ thời gian Lê Khả Phiêu làm tống bí thư. Những hành động bắt giữ ngư dân Việt Nam, vu cho xâm phạm lãnh hải, hoặc giả làm hải tặc gây bất an trong những vùng biển tranh chấp có thể là nằm trong chinh sách tằm ăn lá dâu của chính quyền Trung Quốc, hay cũng có thể là hành động của những giới chức địa phương, vì chính sách của Trung Quốc ở biển Dông tuy chính thức thuộc trách nhiệm của bộ ngoại giao, nhưng cũng thuộc trách nhiệm của tỉnh Hải Nam cùng hạm đội Nam Hải.

Vừa do ý hướng vừa do hoàn cảnh, trong hai mươi năm qua, chiều hướng ngoại giao chống đế quốc của Việt Nam đã khiến Việt Nam càng sát lại gần Trung Quốc, trong khi mục tiêu quan trọng nhất của đường lối đa phương đa dạng hóa ngoại giao là Hoa Kỳ đã phát triển rất chậm chạp không cân đối, nhất là trong giai đoạn mà Lê Khả Phiêu làm tổng bi thư. Lúc đó, CSVN cố gắng làm như những chuyện gia nhập ASEAN, bang giao với Hoa Kỳ, Clinton viếng thăm đều không quan trọng. Ngoài ra, Việt Nam cũng trì hoãn ký thỏa hiệp song phương BTA với Hoa Kỳ, hủy bỏ chuyến viếng thăm của đô đốc Blair, đứng về phe Trung Quốc trong vụ phi cơ thám thính EP-3 của Hoa Kỳ đụng phải một phi cơ Mig của Trung Quốc ngoài khơi biển Đông và cuối cùng là đã ký hai thỏa ước về biên giới trên bộ và ranh giới trên biển ở vịnh Bắc Việt.

Do thúc ép của Lê Khả Phiêu, hai thỏa ước về biên giới trên bộ và ngoài biển giữa Việt Nam và Trung Quốc được ký vào cuối năm 1999 và 2000 đã gây ra nhiều chỉ trích và phản kháng. Riêng về thỏa ước biên giới trên bộ, cho đến nay, chính quyền Việt Nam không dám công bố công khai, quốc hội mang tiếng là đã thông qua thỏa ước đó nhưng hầu hết các đại biểu không ai được biết nội dung thỏa ước. Bản đồ biên giới hai nước vẫn còn phải che dấu. Ngay cả đại tá Lê Minh Nghĩa, đã từng là chủ tịch ủy ban biên giới của Việt Nam phụ trách đàm phán với Trung Quốc cũng phải tiết lộ “Kể từ sau thế chiến thứ II, Trung Quốc đã luôn muốn bành trướng lãnh thổ của họ. Họ từng buộc thực hành chiến lược của họ. Lịch sử cho thấy họ chỉ ngưng lại khi có một súc mạnh ngăn cản”.

Những nhượng bộ quá đáng cùng hiệp định về biên giới trên đất liền bị những viên chức ngoại giao bất mãn tiết lộ và dĩ nhiên, bị dư luận (đa số ở quốc ngoại vì chính quyền trong nước hoàn loàn bưng bít thông tin về vấn đề này) chỉ trích. Phải chờ hơn một năm sau khi ký thỏa ước, ngày 28-1-2002, người phụ trách về đàm phán là thứ trưởng ngoại giao Lê Công Phụng mới dùng một cơ quan thông tin của nhà nước để biện hộ bằng cách trả lời những câu hỏi được chọn lựa sẵn. Những lời giải thích này chỉ được công bố trên mạng lưới chứ không được đăng trên báo chí hay loan truyền trên đài phát thanh nhằm che giấu nhân dân quốc nội. Nhưng lời giải thích của ông không đưa ra một chi tiết nào, dù về nội dung hiệp ước hay bản đồ biên giới, và khi được hỏi về thác Bản Giốc cùng vùng đất ở ải Nam Quan lời giải thích đã trái ngược với những công bố của bộ ngoại giao Việt Nam trước đó là Bản Giốc hoàn toàn thuộc Việt Nam và bị Trung Quốc lấn chiếm năm 1979 (trong sách “Địa Chí Cao Bằng” của nhà xuất bản Chinh Trị Quốc Gia năm 2000 có ghi rõ: thác Bản Giốc thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh… phía bờ sông bên kia là cột mốc 53 biên giới Việt Trung”. Tỉnh ủy Cao Bằng cũng xác nhận điều này). Lê Công Phụng cũng không nhắc nhở gì đến những lời tố cáo của Việt Nam trong cuốn “Vấn Đề Biên Giới Giữa Việt Nam Và Trung Quốc” do nhà xuất bản Sự Thật xuất bản năm 1979. Bản đồ đính kèm của thỏa ước cho tới nay vẫn được giữ kín. Khi ký giả Bùi Minh Quốc đi Lạng Sơn kiểm chứng những lời của Lê Công Phụng là biên giới cách ải Nam Quan “trên” 200 thước hay bao nhiêu, ông đã bị bắt. Giếng Phi Khanh, nơi Nguyễn Trái khóc khi tiễn cha bị bắt sang Tàu nay cũng đã thuộc Trung Quốc.

Một năm sau, cuối năm 2000, thỏa ước về lãnh hải ở vịnh Bắc Việt cũng không khá hơn. Việt Nam gọi thỏa ước đó là một “thắng lợi cho cả hai bên”, nhưng khi so sánh đường ranh giới lãnh hải vẽ tù cửa sông Bắc Luân trong thỏa ước mới năm 2000 (có hình chữ S ngược với đường cong phía trên nhỏ hơn, thuộc về Việt Nam), theo đó, Việt Nam được 54 %, Trung Quốc được 46 % diện tích, và đường ranh giới Brevié cũ của hiệp ước Pháp – Hoa năm 1887 (là một đường thẳng Nam Bắc vẽ từ cửa sông Bắc Luân), theo đó, Việt Nam 62% Trung Quốc 38%. Ở vịnh Bắc Việt, Việt Nam bị mất đi khoảng 10 ngàn cây số.

Dù có uy thế về hải lực so với ASEAN, hành động lấn áp của Trung Quốc trên vùng biển Đông đã được giới hạn rất nhiều do sự hiện diện của hạm đội thứ bảy của Hoa Kỳ trong vùng. Tuy vậy, về phương diện chính thứ
c, giới chức Việt Nam không khi nào chính thức nói về mối đe dọa của Trung Quốc, nhưng luôn luôn công khai nói về mối nguy cơ “diễn biến hòa bình” của Hoa Kỳ và khi xếp hạng theo quan hệ ngoại giao thân hữu, Trung Quốc vẫn đứng đầu và Hoa Kỳ đứng chót.

Hai nước lân bang cùng với Trung Quốc được đứng đầu trong quan hệ thân thiết của Việt Nam là Campuchia và Ai Lao cũng do Trung Quốc mà gây ra nhiều quan tâm cho Việt Nam. Chính quyền Campuchia và Ai Lao được thành lập do Việt Nam hậu thuẫn, nhưng ở Campuchia, do mối nghi kỵ và hận thù lâu đời nên những lãnh tụ đối lập đã không ngừng khai thác mối thù hận này. Ngay cả chính quyền Hun Sen, có lẽ vẫn chưa quên thái độ của những “cố vấn” Việt Nam, hành động bắt bớ và tra khảo tỉnh ủy tỉnh Sam Reap cũng đối xử với Việt Nam với sự e ngại. Trong khi đó, tại Ai Lao, sau khi nhóm lãnh đạo như Phomvihane chết đi những lãnh tụ trẻ không còn nhiều quan hệ thân thiết với Việt Nam như trước. Việc Trung Quốc cần có quan hệ thân thiết với Ai Lao có nhiều lý do: thực hiện ôn định chu biên để biến những nước xung quanh thành những biên giới mềm mở con đường thông thương giữa vùng Vân Nam với Thái Lan và tạo thế cô lập Việt Nam. Do ưu thế nước lớn, Trung Quốc đã giúp cả Campuchia lẫn Ai Lao canh tân quân đội và phát triển kinh tế nhiều hơn những gì Việt Nam có thể giúp, kể cả giúp Campuchia xây hải càng 600 triệu mỹ kim. Nhiều thanh niên hai nước được gửi sang Trung Quốc huấn luyện. Hiện tại, Việt Nam vẫn còn ảnh hưởng mạnh mẽ với hai nước láng giềng phía tây, nhưng có lẽ chỉ vài thập niên sau, điều này sẽ không còn dễ dàng.

Ngoài Trung Quốc, một nước khác có ảnh hưởng quan trọng đối với Việt Nam là Hoa Kỳ, nhưng đó là một quan hệ phức tạp.

Về căn bản, vết thương chiến tranh giữa hai nước vẫn chưa hàn gắn. Nhân dân Hoa Kỳ vẫn nhìn thấy chế độ CSVN là một chế độ độc tài, phi dân chủ, đàn áp tụ do nhưng chính phù Hoa Kỳ thời gian gần đây đã bắt đầu coi khả năng và kinh nghiệm đối kháng với Trung Quốc của Việt Nam như một yểu tố kìm hãm bớt tham vọng của Trung Quốc.

Ngược lại CSVN vẫn tin rằng chủ nghĩa tư bản của Hoa Kỳ là một chủ nghĩa luôn tìm cách bóc lột những nước nhỏ, chính quyền Hoa Kỳ là một chính quyền đế quốc đang tìm cách lật đổ chế độ của họ bằng những phương cách gọi chung là “diễn biến hòa bình”.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ lại là siêu cường duy nhất có thể kìm hãm âm mưu bá quyền của Trung Quốc trên vùng biến Đông, là thị trường lớn nhất và duy nhất trên thế giới có thể giúp Việt Nam phát triển kinh tế và thương mại. Mỗi khi cho đấu thầu để thăm dò hay khai thác dầu hỏa, Việt Nam thích để cho những công ty Hoa Kỳ thầu hy vọng giảm bớt áp lực của Trung Quốc. Cuối cùng, Hoa kỳ cũng là nước cờ tối hậu mà Việt Nam có thể dùng nếu bị Trung Quốc chèn ép tới đường cùng, là sẽ để cho Hoa Kỳ đặt căn cứ để tạo nên một vòng cung bao vây Trung Quốc từ Đại Hàn, Nhật Bản qua Ấn Độ. Trong công cuộc thi hành chính sách ngoại giao gần như đu dây này Việt Nam được lợi thế nhờ bản chất thực dụng của Hoa Kỳ, vốn chỉ chú trọng tới lợi nhuận mà không để ý gì nhiều đến những chỉ trích. Từ hai mươi năm nay hai tờ báo chính thức của chính quyền Việt Nam là Nhân Dân Quân Đội Nhân Dân đã không bao giờ đăng một bài nào chỉ trích Trung Quốc (mỗi khi muốn chỉ trích hay phản kháng họ dùng những báo ngoại vi như Thanh Niên, Lao Động…), trong khi đã nhiều lần ám chỉ Hoa Kỳ là kẻ thù.

Do nhiều lý do, trong đó quan trọng nhất là Việt Nam ký thỏa ước thân hữu và hợp tác với Nga cũng như sự chiếm đóng Campuchia năm 1979, Hoa Kỳ chỉ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ 1995 nhưng tiến trình phát triển ngoại giao đã phải dò dẫm từng bước vì ảnh hưởng của Trung Quốc. Sau khi những lãnh tụ CSVN như Đỗ Mười, Lê Đức Anh đặt Việt Nam dưới cây dù xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc, trong mỗi bước cải thiện ngoại giao với Hoa Kỳ, Việt Nam đều phải tìm cách để trấn an, giải thích hay hỏi ý kiến Trung Quốc. Kế từ khi thiết lập bang giao, nhiều phái đoàn ngoại giao và thương mại của Việt Nam đã lần lượt đến Hoa Kỳ hầu như mỗi tháng, trong đó có phái đoàn của Nguyễn Tấn Dũng (lúc còn là phó thủ tướng), Vũ Khoan, Trần Xuân Giá, Lương Văn Tư, Nguyễn Mạnh Cầm Trương Đình Tuyển, Võ Hồng Phúc, Nguyễn Phúc Thành..., và đến tháng 6 năm 2005 thì Phan Văn Khải dẫn đầu một phái đoàn hùng hậu hơn 200 người sang thăm Hoa Kỳ nhằm mục đích kêu gọi tư bản Hoa Kỳ đầu tư.

Cùng năm đó, cả tổng bí thư Nông Đức Mạnh, chủ tịch nhà nước Trần Đức Lương và thủ tướng Phan Văn Khải vừa ở Mỹ về đều sang thăm Trung Quốc.

Trong khi đó, về phương diện quân sự, phải chờ tới tháng 11-2003, bộ trưởng quốc phòng Phạm Văn Trà của Việt Nam mới sang thăm Hoa Kỳ và sự hợp tác quân sự giữa hai nước cho tới nay mới chỉ ở mức giới hạn. Hoa Kỳ tuyệt đối không muốn can dự vào cuộc tranh chấp lãnh thổ hải đảo của những nước trong vùng biển Đông. Họ chỉ quan tâm đến sự tự do lưu thông hàng hải và cũng không muốn có một nước nào độc bá vùng biển này. Dù chỉ công nhận một nước Trung Quốc, khi Trung Quốc đe dọa sẽ tấn công Đài Loan mấy năm trước, Hoa Kỳ đã nhanh chóng đem hai hàng không mẫu hạm đến để bảo vệ Dài Loan. Phải nhiều thập niên nữa Trung Quốc mới hy vọng theo kịp sức mạnh của hạm đội thứ bảy nên hiện tại Hoa Kỳ vẫn yên tâm đứng ngoài những tranh chấp và vẫn là một yếu tố quan trọng khiến Trung Quốc phải dè dặt trong mục tiêu mở rộng lãnh hải phía nam. Do thể chế chính trị khác biệt và bị ảnh hưởng cũng như áp lực của Trung Quốc, Việt Nam đã không thể nào ph
t triển bang giao nhanh chóng với Hoa Kỳ như các nước Nam Dương, Mã Lai, Tân Gia Ba đã ký hiệp ước để hải quân Hoa Kỳ có thể sử dụng hải cảng của họ khi cần thiết. Vì thế Việt Nam tương đối gặp khó khăn nhiều hơn mỗi khi bị Trung Quốc lấn ép. Ngoài ra, Mã Lai và Tân Gia Ba còn có một đảm bảo khác là có một hiệp ước quốc phòng riêng của những nước thuộc Liên Hiệp Anh cũ với Anh, Úc, Tân Tây Lan.

Những năm gần đây, Hoa Kỳ đã lưu tâm nhiều hơn tới Việt Nam. Tháng 8-2006, để chiều lòng Hoa Kỳ giúp cho gia nhập WTO, Việt Nam đã công khai phản đối vụ khai triển vũ khí nguyên tử của nước bạn truyền thống Bắc Hàn và đã tham gia biện pháp trừng phạt phong tỏa kinh tế Bắc Hàn bằng cách chấm dứt giúp đỡ Bắc Hàn trong các dịch vụ ngân hàng. Nhưng Việt Nam đã mạnh miệng làm điều này chỉ vì Trung Quốc cũng thông qua nghị quyết lên án Bắc Hàn của Liên Hiệp Quốc. Do nhượng bộ của Việt Nam để được vào WTO và sự quan tâm về sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc, kể từ 2006, Hoa Kỳ quan tâm hơn đến vùng biển Đông. Tháng 6-2006, bộ trưởng quốc phòng Rumsfelt ghé thăm Việt Nam, kêu gọi Trung Quốc phải minh bạch hóa những chi phí quốc phòng.

Ngoài các nước ASEAN và Hoa Kỳ, Việt Nam vẫn muốn phát triển quan hệ với hai nước lớn khác là Nga và Ấn. Đường lối cai trị cứng rắn của Putin khiến Việt Nam cảm thấy gần gũi với Nga hơn là thời của Gorbachev hay Yeltsin. Tuy nhiên, chỗ dựa Nga của Việt Nam không được vững chắc, vì so sánh giữa Việt Nam và Trung Quốc, Nga thấy Trung Quốc có nhiều lợi thế hơn. Khi loan báo trả lại Cam Ranh cho Việt Nam Nga đã cho Trung Quốc thấy họ thực tâm muốn hòa hoãn và hợp tác. Nga đã kiếm lợi bằng cách bán võ khí cho cả hai nước và Trung Quốc, với ngân sách lớn hơn đã mua những vũ khí của Nga sớm hơn, nhiều hơn và tối tân hơn. Với tình trạng hiện nay, Việt Nam khó có thể dựa vào Nga dù cho mai này, giữa Trung Quốc và Nga có xảy ra tranh chấp. Dù vậy, mối quan hệ với Nga vẫn được Việt Nam trân trọng coi như người bạn hàng đầu bảo đảm cho Việt Nam nguồn cung cấp võ khí. Đồng thời, các lãnh tụ CSVN vẫn nuôi hy vọng mỏng manh là chế độ cộng sản Nga có thể có ngày hồi phục.

Ngoài Hoa Kỳ và Nga, Ấn Độ là một nước lớn thật tâm muốn kết thân với Việt Nam. Hai nước đã có quan hệ bền chặt trong nhiều năm. Trước 1975, Ấn Độ tuy trung lập nhưng phần nào thiên về Bắc Việt. Sau 1975, lúc mà Việt Nam bị cô lập khi chiếm đóng Campuchia, Ấn Độ vẫn là một nước hiếm hoi ủng hộ Việt Nam. Điều này xảy ra do ganh đua lâu đời giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới. Cũng như Việt Nam, Ấn Độ bị Trung Quốc lấn chiếm một phần đất biên giới phía Bắc trong thập niên 1960. Hơn nữa, Trung Quốc lại là đồng minh thân thiết của Hồi quốc, một nước đối đầu của Ấn Độ, đã giúp Hồi quốc canh tân hải cảng và có thể đã giúp Hồi quốc rất nhiều trong công cuộc chế tạo võ khí hạt nhân và hỏa tiễn. Dù ở gần Thái Lan và Mã Lai hơn, nhưng Ấn Độ lại phải nhờ Việt Nam trong giao tiếp với ASEAN. Gần đây, Ấn Độ đã nhờ Việt Nam (theo đó, cả Campuchia và Ai Lao) giúp để xin trở nên một hội viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Vì thế cùng với Nga, Ấn Độ đã giúp Việt Nam phát triến về nghiên cứu nguyên tử, canh tân lại những chiếc Mig cũ và có thể đã bán cho Việt Nam những hỏa tiễn và phi đạn do Ấn chế tạo. Cùng với Trung Quốc và Việt Nam, trong mấy năm qua, kinh tế Ấn Độ cũng phát triển nhanh chóng. Để ngăn chặn bớt sự bành trướng của Trung Quốc, chính phủ Hoa Kỳ gần đây đã kết thân hơn với Ấn và dù Ấn từ chối không ký hiệp ước ngăn ngừa phát triển võ khí nguyên tử, quốc hội Hoa Kỳ đã đặc biệt cho phép chính phủ Hoa Kỳ giúp đỡ Ấn về công cuộc nghiên cứu phát triển năng lượng nguyên tử trong phạm vi dân sự.

Sau cùng, một cường quốc ở Á châu có khả năng chống đối Trung Quốc là Nhật Bản. Do bản hiến pháp chủ hòa năm 1945, lực lượng quân sự Nhật chưa đến 200 ngàn người, chỉ nhằm mục đích phòng thủ và nền quốc phòng phụ thuộc vào thỏa ước an ninh Mỹ – Nhật. Nhưng do sức mạnh kinh tế và kỹ thuật, lực lượng hải quân Nhật gồm 15 tàu ngầm, 41 thiết giáp hạm, 20 tuần dương hạm, 8 tàu đổ bộ, 4 tàu chuyên chở lớn, hiện vẫn tối tân và tinh nhuệ hơn những tàu chiến Trung Quốc. Trung Quốc dù luôn luôn đòi chủ quyền trên quần đảo Điếu Ngư mà Nhật đang chiếm giữ, họ chỉ thỉnh thoảng đưa ra lời phản kháng suông. Những năm gần đây, trước sự phát triển của Trung Quốc và hành động của Bắc Hàn, Nhật Bản đã gia tăng kinh phí quốc phòng của họ. Thủ tướng Koizumi và người kế nhiệm là Abe không đếm xia gì đến phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc, vẫn hàng năm đến thăm đền Yasukumi, nơi thờ phụng những binh linh Nhật đã chết, trong đó có những người mà cả Trung Quốc lẫn Nam, Bắc Hàn coi là những tội phạm chiến tranh, từng gây nhiều đau thương chết chóc cho nhân dân họ trong thế chiến thứ II. Do mối nhục bị Nhật xâm lấn và áp bức hơn 60 năm trước cùng với tiềm năng phát triển quân sự của Nhật, Trung Quốc đặc biệt nhạy cảm đối với nước này và trong tương lai gần, Việt Nam chỉ có thể có một mối quan hệ bình thường đối với Nhật Bán. Vì Nhật là nước viện trợ nhiều nhất cho Việt Nam, Việt Nam đã tuyên bố sẽ ủng hộ cả Nhật lẫn Ấn để hai nước này trở nên hội viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Đường lối đa dạng và đa phương hóa ngoại giao của Việt Nam được Nguyễn Cơ Thạch vạch ra năm 1986 gần hai mươi năm qua nhằm thiết lập và phát triển quan hệ với tất cả các nước (kể cả Hoa Kỳ, các nước Tây Âu và Trung Quốc) một cách quân bình. Đường lối này chỉ mới được thực hiện trong mấy năm thì sự sụp đổ của Nga Xô và các nước cộng sản Đông Âu đã khiến cho những phần tử bảo thủ trong đảng lo sợ và áp lực đế đường lối đối ngoại phải coi trọng vấn đề bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, có nghĩa là bằng mọi giá, phải tìm mọi cách kết thân với Trung Quốc. Kể từ đó, dù Việ
t Nam vẫn tiếp tục đa dạng và đa phương hóa ngoại giao vai trò Trung Quốc đã luôn nổi bật.

Trong đa phương ngoại giao, hầu hết những quyết định của Việt Nam đều phải xét đến yếu tố Trung Quốc. Trở ngại duy nhất và quan trọng của quan hệ Việt – Hoa là dù Việt Nam đã học hỏi khuôn mẫu Trung Quốc, đã cố gắng nhường nhịn, nhưng mục tiêu của Trung Quốc không phải để phát triển xã hội chủ nghĩa như Việt Nam mong muốn mà là phát triển và bành trướng uy thế chính trị, kinh tế, quân sự, kể cả lãnh thổ cũng như lãnh hải của Trung Quốc để có ngày trở nên một siêu cường.

Hiện tại với những quan hệ chính trị và kinh tế chằng chịt ngày một lún sâu, có lẽ đã quá muộn để cho Việt Nam có thể có một đường lối ngoại giao độc lập và bình đẳng với Trung Quốc. Trước một áp lực thường xuyên, Việt Nam đã không thể tìm được một đối tác quan trọng khả dĩ có thể dùng mặc cả trong những đàm phán ngoại giao với Trung Quốc. Do nhu cầu phát triển kinh tế cần phải hòa hoãn hợp tác, do thế lực chính trị và quân sự của siêu cường Hoa Kỳ trong vùng, hai nước Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian hiện tại vẫn đang hòa thuận để cùng nhau phát triển. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy mối quan hệ Việt – Hoa luôn luôn có những lúc thăng trầm, kể cả tình đoàn kết vô sản quốc tế môi hở răng lạnh, sông liền sông, núi liền núi từ 1949 mà cuối cùng ba mươi năm sau cũng đã đưa đến trận chiến tương tàn khốc liệt trên vùng biên giới. Vì muốn bám chặt vào xã hội chủ nghĩa, Việt Nam cần Trung Quốc hơn là Trung Quốc cần việt Nam. Đối với Việt Nam, Trung Quốc là chỗ dựa, là yếu tố sống còn của chế độ, còn đối với Trung Quốc, việt Nam chỉ là một khâu trong vòng đai phòng thủ, đồng thời cũng là một trở ngại cho việc phát triển không gian sinh tồn của Trung Quốc ở biển Đông. Vì thế, 16 năm sau khi tái lập quan hệ ngoại giao, 7 năm sau hiệp ước về lãnh hải, vùng biển Đông vẫn còn sôi động.

Khi chúng tôi viết những trang cuối của cuốn sách này thì Trung Quốc đang xây bia chủ quyền trên đảo Hoàng Sa và Hồ Cẩm Đào cũng vừa tặng cho các lãnh tụ CSVN ba hàng chữ ngọc thêm vào mười sáu chữ vàng trước kia, là “Lý tưởng tương thông. Văn hóa tương đồng. Vận mệnh tương quan “. Ba hàng chữ này đã thể hiện rõ rệt tình trạng của Việt Nam hiện nay là ngày nào CSVN còn cố gắng học tập để tương thông lý tưởng với Trung Quốc (chống đế quốc, chống diễn biến hoà bình), ngày đó, Việt Nam vẫn ngày càng bị “vận mệnh tương quan”, càng bị lệ thuộc và càng bị Trung Quốc lấn áp. Trong hoàn cảnh hiện tại, để thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc, Việt Nam cần phải có một đường lối ngoại giao sáng tạo, táo bạo, nhưng điều này sẽ khó xảy ra nếu Việt Nam vẫn còn muốn núp dưới cái bóng của Trung Quốc để duy trì chế độ chuyên chính dưới chiêu bài xã hội chủ nghĩa của họ.


[1] Trích Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng của Ngô Thế Vinh. Ngoài ra, vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa cũng như biên giới trên bộ đã được nghiên cứu rât tường tận bởi các tác giá Vũ Hũu San, Trương Nhân Tuấn. Một tác giả trong nước là Nguyễn Hồng Thao, vụ trưởng vụ lãnh hải bộ ngoại giao, cũng viết về hiệp ước lãnh hải, nhưng chỉ chú trọng nhiều về khía cạnh kỹ thuật.

March 18, 2008 Posted by | Uncategorized | Leave a comment